“Chị lớn bằng từng này rồi mà giờ còn phải đi đọc sách của em nó đây” – suy nghĩ ấy bật ra khi mình lật giở những trang sách, ngẫm ngợi từng con chữ trong cuốn “Tớ đã học Tiếng Anh như thế nào?” của bé Nhật Nam.
Trước đây, mình không có ý định mua sách của Nam về đọc. Vì cũng như nhiều người lớn khác, mình nghĩ đó là cuốn sách dành cho trẻ con. Một đứa trẻ con thì chỉ viết sách dành cho lứa tuổi chúng thôi. Ấy thế mà mình nhầm, mặc dù trong sách, cậu bé xưng hô ấy – tớ, và câu chuyện thì rất vô tư, trẻ con, nhưng không có nghĩa đó là chuyện con nít.
Mính dám cá là nhiều người lớn khi đọc cuốn sách phải cảm thấy xấu hổ vì thua kém quá nhiều một cậu bé. Quả thật Nam có năng lực ngôn ngữ rất khá, không biết NXB có chỉnh sửa gì không nhưng mình thấy nội dung cuốn sách rất hấp dẫn, với bọn trẻ con, với các bậc phụ huynh, với những ai muốn tìm lại tuổi thơ hay đơn giản là với những người mê đọc sách.
Chưa đọc sách của Nam, nghe ý kiến nhiều chiều của dư luận, xem đoạn clip phỏng vấn cậu bé, mình chỉ thấy ngạc nhiên về sự tự tin hiếm có, sự hiểu biết sâu rộng hơn hẳn độ tuổi của em. Và rồi cũng như bao người, mình cũng hơi có chút đánh giá tiêu cực với Nam, có chăng em nên khiêm nhường hơn khi nói chuyện với người hơn tuổi, hay em không nên ngồi dựa lưng khoanh tay như một ông giám đốc thế kia khi đang diễn thuyết trước rất nhiều người, mà còn là người lớn nữa chứ.
Nhưng khi đọc sách, thì mình nhận ra, Nam cũng là một câu bé 12 tuổi thôi, cũng vô tư, giàu trí tưởng tượng, ngốc xít và nhìn cuộc đời rất hồn nhiên nữa. Cậu bé không có vẻ gì là một ông cụ non. Đọc cuốn sách, ta chỉ thấy đó là một cậu bé đang tả lại cuộc sống của mình thật trong và thật. Nếu không, thì chỉ có thể nghĩ đó là một nhà văn giỏi đưa độc giả được về thế giới tuổi thơ xa xôi.
Một điều nữa khi đọc sách, ấy là mình ngưỡng mộ Nam, không phải vì cậu bé giỏi. Mình không nghĩ tài năng của cậu bé là hiếm. Mình ghen tị vì cậu bé có những người bố mẹ tuyệt vời. Họ vui chơi, học tập cùng Nam và bên cạnh cậu bé để tiếp bước cho cậu. Thử nghĩ xem, những vị phụ huynh khác, chỉ bận đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền rồi phó mặc con em họ cho những trường lớp, những giờ học thêm, thì con họ dù tài cũng đâu thể vượt trội. Mình tin rất nhiều đứa trẻ khác giỏi và có tố chất hơn Nam, có chăng chính cha mẹ đã cướp đi cơ hội tỏa sáng của chúng.
Nhật Nam không hẳn là một hiện tượng. Mình nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận ở vấn đề phương pháp tư duy và cách giáo dục đã mang đến một Nhật Nam ngày hôm nay. Dân Việt Nam không nên trách nền giáo dục của Việt Nam, mà nên tự đem đến cho con cái mình một nền giáo dục mà các vị muốn đi đã.
Những tác phẩm của cậu bé, làm thỏa mãn được người đọc, bởi nó sinh động và hồn nhiên. Nếu có ai đó nói, sao phải đọc sách của một đứa trẻ con, thì mình nghĩ trình độ và tư duy của họ cũng chỉ tầm thường vậy thôi. Sách của Nam có giá hơn nhiều những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị ướt át của người lớn. Còn không thì, bao nhiêu người lớn có thể viết được như Nam?
Mình không cho Nam là một thần đồng. Mình không biết sau này Nam có trở thành một vĩ nhân không, vì con đường phía trước của em còn rất dài. Nhưng những gì mà hiện tại em làm được, thì chúng là có ích.
Như trong sách, Nhật Nam đã trích dẫn: Cơ hội không phải cái gì to tát. Có khi cơ hội đơn giản chỉ là xem được một bộ phim hay, đọc được một cuốn sách tốt. Đọc được sách của Nam là một cơ hội mà mình đã có. Và mình nghĩ mọi người cũng nên nắm bắt những cơ hội đơn giản như thế. Đừng bỏ qua những thứ tưởng chừng là trẻ ranh vụn vặt. Những người lớn mang suy nghĩ đầy mùi hỗn tạp như chúng ta, có khi lại chẳng bằng những ý tưởng trong trẻo nguyên chất của bọn trẻ nhỏ.
Chúc mừng ngày quốc tế thiếu nhi 1/6!