Mở đầu cho loạt bài Hà Nội nhỏ, tôi chọn lấy một chủ đề bình dị, không khó để nghĩ về và ai đã ở Hà Nội ít lâu thì đều một lần trải nghiệm. Nếu đã từng dạo chơi Bờ Hồ, có bao giờ bạn tìm đến chỉ để ăn một cây kem?
Những người bạn của tôi, có người ưng cái phong cách bình dân ngồi ăn kem que trên xe máy ở số 35 Tràng Tiền. Người thì mê cái vị the mát của cái kem chanh bạc hà ở hàng kem Thủy Tạ phố Lê Thái Tổ. Mỗi nơi đều có một nét riêng độc đáo. Chẳng phải thế mà người ta sẵn sàng đứng trên vỉa hè, hay bên cái xe máy mà mút mát que kem với nhau rồi cười giòn tan hạnh phúc. Chúng nổi tiếng đến nỗi, chỉ cần kêu một tiếng thèm kem, là cái địa chỉ ấy tự dưng bật lên trong đầu.
Mặc dù phải công nhận, kem Tràng Tiền của Việt Nam chúng ta không có cái độ béo ngậy xuất sắc như những loại kem tươi, kem đóng hộp của các hãng nổi tiếng, thì chúng vẫn hấp dẫn người dân bởi một thứ cảm xúc nào đó chứ chẳng phải vì chuyện ngon dở. Có những buổi tối mùa hè, căn nhà ở số 35 Tràng Tiền đầy ắp người. Họ xếp hàng mua lấy đôi ba que kem, rồi háo hức chạy ra chìa cho người đi cùng đang chờ bên cạnh chiếc xe máy. Thường ít thì mỗi người cũng phải làm 2 que kem, có khi còn thêm lấy một cây ốc quế nữa mới đủ.
Hai cô bạn trước đây ở chung với tôi thì lại có ấn tượng sâu sắc với kem chanh Thủy Tạ. Đó là thứ kem chua dịu và mát lạnh vị bạc hà, khiến độ ngọt của kem giảm đi đáng kể, ăn sẽ thanh hơn nhiều kem que Tràng Tiền. Thực ra hãng Thủy Tạ nơi đâu chả có. Nhưng người ta cứ phải về với hàng kem ở Lê Thái Tổ, mua cho nhau vài chiếc rồi đứng ở vỉa hè mà thưởng thức và ngắm nghía một không gian đặc trưng của đất thủ đô. Lại một lần nữa câu chuyện ngon dở chỉ là yếu tố phụ, vì thứ khiến người ta chọn lựa, còn là không gian, cảm xúc.
Nhưng thật tình cờ, hàng kem tôi ăn đầu tiên khi chân ướt chân ráo đi khám phá Hà Nội lại chẳng phải 2 địa chỉ kể trên. Hàng kem ấy cũng nằm trên con phố Tràng Tiền, nhưng lại ở ngay cạnh Tràng Tiền Plaza. Nhỏ xinh thôi, nhưng bởi quầy kem lộ ra bên ngoài, đập vào mắt nên tôi chọn. Sự lựa chọn vì lí do đơn giản lắm, nhưng cho tới khi đã nếm đủ những hàng kem nổi tiếng ở Bờ Hồ, thì cảm tình lớn nhất tôi vẫn dành cho lần đầu tiên.
Sau này tìm hiểu mới biết, hàng kem có tên Bodega, tiền thân là một nhà hàng được mở từ thời Pháp. Bodega có nghĩa là hầm rượu, và thời xưa, nơi này chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu và giới tư sản có tiền. Kem ở đây vẫn được sản xuất theo quy trình truyền thống ngay bên trong cửa hàng. Tôi phải lưu ý là kem Bodega khác kem 35 Tràng Tiền tôi vừa kể trên mặc dù chúng cùng nằm trên một con phố. Kem 35 Tràng Tiền là kem mới, kem thời hiện đại. Dòng chữ “Since 1958” trên logo là minh chứng nếu bạn thắc mắc hàng kem này có từ bao giờ. Còn kem Bodega là kem dưới thời Pháp.
Và cái thương hiệu “kem Tràng Tiền” chúng ta vẫn quen miệng nói với nhau, thực chất không phải chỉ loại kem mới, mà chính là kem Bodega. Có vẻ như kem Bodega hơi mang hương vị của kem Pháp. Ngày xưa, chúng là những viên kem nhỏ xinh được đặt trong ly thủy tinh sang trọng. Người ăn dùng những chiếc thìa bé xíu lạt từng chút một và thưởng thức. Kem Bodega thời đó là một điều xa xỉ mà không phải ai cũng ăn được. Ấy là thứ kem mang màu sắc quý phái, thanh lịch, khác với kem Tràng Tiền ở số 35 mang hơi hướng bình dân hơn.
Thật thú vị khi tôi phát hiện ra hàng kem mình yêu thích lại có lịch sử lâu đời như vậy. Sự thật sau một quãng thời gian sống ở Hà Nội, chưa bao giờ có ai chủ động đưa tôi đến hàng kem Bodega này ăn. Lần đầu tiên tôi ăn những cây kem ốc quế ấy là tháng ngày năm nhất Đại Học, tôi đi cùng một cậu bạn, rảo bước trên con phố Tràng Tiền và đập vào mắt là một tủ kem xếp san sát những cây ốc quế socola và vani. Tôi hỏi cậu bạn có muốn thử? Cậu bạn gật đầu, và thế là chúng tôi ăn. Cá nhân tôi thấy những cây kem ốc quế ở đây vừa vặn, vị ngọt, thanh, ngậy đều đủ cả. Giá cũng đáng yêu nữa. Nếu so với chiếc ốc quế 12k ở số 35, thì 7k cho một cây kem vani ở đây là ăn đứt.
Nói tiếp về con phố Tràng Tiền, nếu bạn chưa biết, thì đây chính là con phố Tây đầu tiên được xây dựng ở thời Pháp thuộc, vào năm 1885. Đó cũng là con phố đầu tiên có vỉa hè. Bạn có để ý hình như vỉa hè ở phố Tràng Tiền luôn râm mát không? Ban đầu để chống nắng, người ta trồng hai hàng cây phượng trên con phố này. Tuy nhiên sau đó tiếng ve kêu làm phiền những người sinh sống ở đây, nên Tòa Đốc Lý đã cho chặt bỏ cây, thay vào đó làm những cái mái nhô ra phía trên để che nắng. Đây cũng là con phố duy nhất có kiểu kiến trúc này.
Ngày xưa, đây là khu phố dành riêng cho người Pháp, được biết đến là trung tâm mua sắm lớn nhất miền Bắc. Tràng Tiền là cái tên được đặt sau năm 1945, còn trước đó, nó mang tên một nhà chính trị Pháp là Paul Bert (Pôn Be). Ở đây tập trung các ngân hàng, quán bar, cửa hàng bách hóa lớn chỉ dành cho giới thượng lưu mà chủ yếu là người Tây. Trục phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ chính là gạch cắt ngang phân biệt một bên là phố Tây, một bên là phố cổ.
Phố cổ của người mình không có vỉa hè. Bạn sẽ không nhìn thấy vỉa hè khi chúng ta đi vào 36 phố phường. Trong khi đó vỉa hè của con phố Tràng Tiền lại thẳng tắp và rộng lớn. Có thể nói, con phố này đã mang đến một nét mới trong cuộc sống của người Hà Nội, đó là vỉa hè.
Tràng Tiền chứa đựng màu sắc của một con phố lộng lẫy, xa hoa và cho đến giờ vẫn đượm nguyên cảm giác ấy. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tôi vẫn mường tượng được chút ít sự sang trọng khó phai mờ của con phố này, kể cả khi xã hội đã phát triển theo một hướng khác.
Hôm nay về Hà Nội với tư cách một người khách ghé qua thăm thú du lịch, nơi được người dân Thủ đô tự hào hiện lên trong tôi lại đẹp đẽ và choáng ngợp, y như cái lần đầu tiên tôi còn bé xíu. Tôi ăn hết 2 cây kem ốc quế Bodega dù có lẽ cuộc sống phong phú đầy đủ đã làm vị giác tôi trở nên chai lì. Vị ngọt hơi quá làm tôi khát khô cổ. Giá mà tôi chuẩn bị theo mình một chai nước thì đã dễ chịu hơn.
Rời khỏi khu phố Tràng Tiền, tôi đi dạo quanh Bờ Hồ lúc tiết trời đang khá đỏng đảnh nửa oi nửa gió. Chọn một chiếc ghế râm mát dưới bóng cây, tôi ngồi xuống cạnh một anh người Tây đang đọc sách. Đối diện là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không chọn bởi anh ấy đang dùng điện thoại. Vì tôi cũng tính chuyện ngồi đây đọc sách nên có lẽ anh chàng Tây này sẽ đồng điệu với tôi hơn.
Thật bất ngờ khi anh Tây chìa cho tôi một chai nước và mời tôi uống. Có lẽ nhìn cái vẻ mặt nhễ nhại của tôi nên anh thương, mà cũng có thể anh có khả năng đọc được suy nghĩ, biết tôi đang cần gấp một ngụm nước cứu rỗi cái cổ họng. Chẳng cần đôi co từ chối lâu, tôi nhận thành ý của anh bởi tôi tin, người ta không có nhu cầu mời đãi bôi vào lúc này. Gió bắt đầu đưa mạnh hơn, gạt đi cái oi bức khó chịu. Chưa bao giờ tôi thấy Bờ Hồ lại đáng yêu như thế.
Cảm giác khi đã gắn bó với Hà Nội một thời gian để đủ cảm thấy quen thuộc, rồi lại rời đi, và quay trở lại với tâm thế của một khách du lịch, cái nhìn về mảnh đất này trong tôi bỗng có thêm chút tươi mới và dễ tiếp cận. Những kỉ niệm buồn không còn xâm lấn suy nghĩ về Hà Nội nữa. Thay vào đó, ham muốn tìm hiểu, khám phá có lẽ là điều tôi muốn làm để thể hiện tình cảm với cái nơi đã hóa tâm hồn này.