Nhân đang có kì Seagames

Mình xem SEAGAMES không phải để xem đội tuyển U22 đá, cũng không hẳn chỉ ngóng xem Việt Nam kì này được bao nhiêu cái huy chương, xếp hạng mấy, phá được kỉ lục gì. Nước bạn có giở trò mèo gì không, có thứ gì phẫn nộ cần phải đem ra phân tích không….

Không biết trước thế nào, nhưng mình nhớ rõ nhất mình biết đến SG từ năm Việt Nam đăng cai tổ chức, năm 2003. Eo ơi đã gần 15 năm rồi, ghê phết. Hồi đó Việt Nam được rõ lắm huy chương, xếp thứ nhất. Về sau mình để ý cứ nước nào làm chủ nhà thì nước ấy đứng nhất, ngoài mấy nước yếu như Lào chỉ xếp hạng 3 khi đăng cai nhưng mọi năm toàn đừng gần chót nên như thế chắc cũng tính là thành công mĩ mãn.

Ngày xưa ngây thơ, mình cứ thắc mắc mãi tại sao nước chủ nhà luôn đứng nhất. Chẳng lẽ vì thi đấu tại quê nhà, được đông đảo người cổ vũ là tự động thắng? Mãi sau, mình mới tự ngộ ra chân lí. Không nhắc đến chuyện làm trò, thiên vị, nội bộ… thì nguyên nhân dễ hiểu do nước chủ nhà được quyền chọn các môn thi đấu cho đại hội, nên họ chọn những môn họ mạnh, bỏ những môn nước khác mạnh, thế là tự dưng nhiều vàng thôi.

Có cái năm mà hình như Indonesia đăng cai, nước bạn bị báo chí nước mình chửi cho sml vì cái tội chơi đểu, trọng tài thiên vị, đưa vào đại hội mấy môn đếch ai biết đếch ai chơi bao giờ để hòng giành nhiều vàng. Năm nay thấy Malay cũng bị chửi vì làm trò nhưng ít hơn nhiều, cá nhân mình thấy thế. Tự hỏi không biết hồi Việt Nam làm chủ nhà có bị báo chí nước bạn chửi không, khả năng cao là có.

Tính từ hồi mình biết đến SG, thì có lẽ đây là kì mình xem kĩ nhất. Chắc tại rảnh, không vướng bận chuyện gì kinh khủng, cũng chẳng có ai quản thúc kìm kẹp. Xong còn do công nghệ phát triển nữa, xem lại vô tư, đài quốc gia không chiếu thì youtube chiếu vẫn xem bình thường. Có cái tệ khi xem trên youtube trực tiếp là gặp mấy quả comment như bị dồ, hết chửi nước bạn, chửi nước mình, lại chửi đến vận động viên, chửi luôn thằng vừa comment chửi phía trước, chửi không ngừng nghỉ chửi không mỏi mệt, như thể bị kích động sắp động kinh đến nơi rồi. Cứ thấy họ khổ khổ sao.

Quay lại nói về lí do xem SG. Mình không phải là đứa thích theo dòng sự kiện, a dua theo bất cứ thứ gì đang hot. Mình xem vì mình thích xem đại hội thể thao nói chung, và những kì đại hội mà Việt Nam tham gia nhiều nói riêng. Ví dụ như Olympic mùa đông xem cũng vui mắt, kiểu có mấy trò nhìn lạ vcl, nằm sấp trên cái máng xong trượt, hoặc cái trò ném bi xong có hai ông cứ cầm cái chổi kì kì xuống sàn nhà. Cơ mà cái đại hội đó Việt Nam không đủ tuổi tham gia vì đất nước có tuyết qué đâu, nên xem cũng không hào hứng lắm. Còn những kì đại hội to khác như Olympic mùa hè hay Asiad (đại hội thế thao châu Á) thì Việt Nam cũng bon chen được chút nhưng không bõ bèn gì. Vậy nên xem cái đại hội nhỏ xinh ở khu vực là thích nhất, Việt Nam hay ở top và các đối thủ cũng ngang tầm, đấu với nhau nó mới vui.

Nói đến chuyện đấu, hồi bé mình không thích xem mấy môn đối kháng đâu, chỉ ưng mấy môn tính thành tích thôi à, kiểu thể dục, điền kinh, bơi, biểu diễn võ thuật…. Chắc hồi đó mình yếu đuối nhạy cảm, thấy một bên thua là thương thương sao ý. Cơ mà đó là chuyện của hồi còn trẻ thôi. Giờ mình mới nhận ra tại sao các môn đối kháng vẫn có sự hấp dẫn riêng của nó. Chúng có sự kịch tính và gây cảm xúc cho người xem mãnh liệt. Nhưng có cái môn boxing (quyền anh) cho đến giờ mình vẫn không thể thẩm thấu được, chắc do bản thân nông cạn, xem môn đó cứ chán chán sao ý. Còn môn đối kháng mà mình vẫn mê từ trước tới giờ là bóng chuyền, giờ thấy thích xem thêm bóng bàn, bóng rổ, bóng đá nữa.

Nhân câu trước nói đến bóng đá, mình bàn về bóng đá trong SG luôn. Cảm giác dù là trong đại hội thể thao, thì môn bóng đá nam luôn là tâm điểm của chú ý (bóng đá nữ cũng chỉ tép diu xếp cùng bóng chuyền thôi). Có người xem mỗi bóng đá, đếch xem cái gì khác (không sao vì người ta không có đam mê với việc xem thể thao như mình), xong chương trình bình luận, cập nhật dành riêng cho môn này cũng có. Đúng là môn thể thao vua có khác. Nhưng với cá nhân mình, thì bóng đá nam là môn mình ít theo dõi nhất, nghe các bạn nhà báo kể tỉ số thắng thua thế này thế kia thì mình biết vậy thôi. Chẳng phải vì thấy người ta nô nức thì mình đòi đi ngược lại cho khác lạ, mà tại cái môn bóng đá nam, ôi giời qua biết bao nhiêu kì SG, đã bao giờ Việt Nam được 1 cái HCV đâu. Đã thế đá còn càng ngày càng kém. Chục năm trước còn được vào chung kết, còn được cái HCB. Mấy năm gần đây thì toàn bị loại từ vòng ngoài, hoặc chỉ mon men tới bán kết là cùng. Buồn cười ở chỗ bàn thắng thì ghi rõ lắm, cứ gặp mấy anh yếu yếu là giã cho lấy được, đấu với Lào, Campuchia, Brunei, Timo Leste toàn thấy mấy không nghe khiếp đảm. Xong vào sâu gặp mấy anh to to thì tắt điện luôn. Xem mấy chị nữ đá sướng hơn.

Lải nhải với các bạn về cảm nhận SG của mình nói chung như vậy. Yêu thích việc xem đại hội thể thao là “động lực” để mình bỏ bê công việc, ngồi theo dõi miệt mài cả ngày luôn. Thấy các VĐV thi đấu sao mà thấy thích thế, nhìn lại mình tự thấy chẳng có một tí tố chất thể thao nào, đã vậy còn lười chứ. Yếu nhớt nên chỉ rình để nằm ườn ra, chẳng chịu học hỏi thêm gì.

Lắm người trí thức chê SG là cái ao làng, chơi cho vui. Nếu mình chỉ cập nhật tin tức chứ không xem thì cũng đồng quan điểm đấy. Nhưng bởi vì xem kĩ, nên mình không cho đó là một sự kiện vớ vẩn. Ít ra khi xem các VĐV thi đấu, mình thấy hấp dẫn, kịch tính (giống như xem phim), hiểu biết về mọi khía cạnh của cuộc sống cụ thể là lĩnh vực thể thao được tốt hơn, đồng cảm với cảm xúc của VĐV khi chiến thắng hay thất bại. Quan trọng nhất khi xem Việt Nam thi đấu, thấy Việt Nam giành chiến thắng, bước lên bục cao nhận huy chương, hát quốc ca, “lòng yêu nước” lại được bồi tụ thêm đôi phần.

Nói tới lòng yêu nước thì nghe cao cả và cũng gây tranh cãi khi chính trị thì nhạy cảm, vấn đề xã hội thì nhức nhối. Thôi thì đơn giản hóa cái gọi là lòng yêu nước lại, đó là yêu quý và trân trọng những giá trị đã làm nên con người mình. Không phải bỗng dưng tính cách của bạn là như vậy, hành xử của bạn là như thế, hiểu biết của bạn đạt đến mức này… mọi thứ đều được bồi đắp và hình thành, từ những linh hồn vật chất của môi trường xung quanh. Có những môi trường khác nghe vẻ điều kiện hơn, lí tưởng hơn. Nhưng mỗi cái cây đều cần một môi trường sống phù hợp với nó, mà cũng như là mục đích khi đến với thế giới này. Một du học sinh Việt đã nói “bứng cây xương rồng từ sa mạc sang rừng nhiệt đới ẩm cũng không làm cây xương rồng phát triển tốt lên, giống như bứng người Việt Nam sang đất Mĩ vậy”.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.