Thư giãn với tiếng Anh thế nào?

Mình đã từng không có khái niệm gì về tiếng Anh, cho đến khi biết tiếng Anh là một môn học, cho đến khi biết tiếng Anh quan trọng thế nào, và giờ là cần sống cùng tiếng Anh vì miếng cơm manh áo, và vì tình yêu được vun vén bằng sự gắn bó lâu dài.

Dù bạn tìm đến tiếng Anh với mục đích gì, điểm số, bằng cấp, du học, định cư, xin việc… thì không thể phủ nhận, tiếng Anh là một ngôn ngữ, và nó sẽ có giá trị khi bạn trao đổi hoặc tiếp nhận thông tin BẰNG TIẾNG ANH. Ý là việc bạn làm được một bài chia động từ đúng 10/10 không giải quyết vấn đề gì cả. Chỉ khi bạn dùng tiếng Anh để du lịch, để xem phim, để trò chuyện, để nghiên cứu… thì khi đó, tiếng Anh mới có ý nghĩa trong cuộc đời bạn.

Để làm những điều trên, thì bạn buộc, phải tiếp xúc với tiếng Anh đủ nhiều, đủ dài, đủ chất lượng, để thành thạo. Và cuộc sống bận rộn sẽ không cho bạn làm điều ấy một cách tử tế, như là ngồi xuống bàn và học như hồi còn nhỏ. Rồi thì bạn sẽ từ bỏ chuyện học tiếng Anh, không sớm thì muộn.

Nhưng nếu bạn tiếp xúc với tiếng Anh một cách thật tự nhiên thì sao? Giống như việc bạn bị vứt sang một đất nước chỉ nói tiếng Anh với nền văn hóa phương Tây xa lạ vậy. Nếu bạn là người ham học hỏi thì bạn sẽ rất mau chóng, tiếp nhận chúng và trau dồi cho bản thân một vốn ngôn ngữ cũng như hiểu biết về nền văn hóa ấy. Thế là so với những người ở quê nhà, bạn sống được tận 2 cuộc đời.

Cơ bản là chả phải ai cũng được vứt ra nước ngoài mới nhục. Nhưng internet sẽ là thứ bác bỏ mọi suy nghĩ đổ lỗi và thoái thác. Chỉ cần bạn muốn, bạn vẫn có thể được ngập ngụa trong tiếng Anh, văn hóa Anh mà không cần phải đi đâu. Và sau đây là sẽ là vài mẹo giúp các bạn được đắm chìm trong tiếng Anh một cách vô cùng tự nhiên và đơn giản.

Tìm hiểu văn hóa Anh

Bạn sẽ cảm thấy bất lực khi ‘chan sờ lệt’ một câu tiếng Việt trong đầu để phát ra một câu tiếng Anh bằng đường mồm. Đó không chỉ bởi sẽ khác biệt giữa ngữ pháp, mà còn do cách dùng của ngôn ngữ được cấu thành từ những nền văn hóa đặc trưng. Học văn hóa của các nước sử dụng tiếng Anh chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu tại sao câu đó lại được dùng ở hoàn cảnh đó, từ này lại mang những nghĩa thế này…

Nhưng không có nghĩa, bạn phải đi học một khóa về văn hóa Anh-Mỹ, hay đọc các sách chuyên ngành. Điều bạn cần làm đó là tiếp xúc với văn hóa Anh-Mỹ thật nhiều. Với từng cá tính, bạn sẽ cảm thấy có sự yêu ghét khác nhau. Nhưng một nền văn hóa văn minh và lớn mạnh như vậy chắc chắn phải có những điểm ưu việt nhất định. Hãy khám phá chúng qua văn học, phim ảnh, âm nhạc, báo chí… Giống như bạn mê Hàn Quốc vì bạn thần tượng các nhóm nhạc K-pop, bạn cũng có thể mê tiếng Anh nếu bạn phải lòng một nét đẹp nào đó của nền văn hóa này.

Với cá nhân mình, mình chọn đọc văn học phương Tây để có cảm giác mình đang sống trong đất nước họ. Không cần bạn phải đọc bằng tiếng Anh, cứ đọc bản dịch tiếng Việt như bình thường, nhưng cách hành xử, quan điểm sống và tư tưởng của người bản địa vẫn sẽ được thể hiện rất rõ qua từng trang sách. Nghe nhạc cũng là một lựa chọn hấp dẫn. Bạn không cần phải là fan của nhạc US-UK, chỉ cần thích một vài bài và bật chúng nghe thường xuyên là được. Bản thân mình trước đây không thích văn học Anh-Mỹ, không thích nhạc Âu Mỹ, không thích Noel, không thích Halloween… nhưng mình vẫn tập thói quen đưa chúng vào cuộc sống mỗi ngày, và chắt lọc những điều phù hợp nhất cho bản thân.

Tóm lại là, đọc sách của tác giả người Anh, đọc sách của tác giả người Việt viết về văn hóa Anh, nghe nhạc tiếng Anh, xem phim Anh, đọc báo nói về nước Anh, xem youtube của người Anh hoặc của người Việt sống ở Anh… đều sẽ giúp bạn tiếp nhận văn hóa Anh một cách vô cùng dễ dàng, là tiền đề tạo cảm hứng cho việc học Tiếng Anh. (Ghi chú: ‘Anh’ mình viết trong đoạn này được hiểu là ‘những nước nói tiếng Anh’ nhé)

luyện nghe tiếng Anh bằng phim

Cùng xem các bước để xem một bộ phim tiếng Anh thật hiệu quả nhé.

1.Tìm phim

Bước này tùy sở thích của mỗi người, nhưng phải là phim bạn thực sự thích và muốn xem, chứ không phải phim người khác khen hay nằm trong những bài báo kiểu như ‘Top những bộ phim giúp bạn học Tiếng Anh hiệu quả”… nhé. Đây là bước cực kì quan trọng, vì khi bạn phải xem một thứ bạn không thích, thì áp lực học tiếng Anh sẽ khiến bạn nản cực kì nhanh.

2. Xem phim và thư giãn

Vì là phim bạn thích, nên hãy cứ xem một cách thật thoải mái như cách bạn giải trí vậy. Nếu phim bạn chọn là phim hay thì khả năng cao là chúng sẽ luôn có phụ đề tiếng Việt. Mua bỏng nước và chui vào chăn tận hưởng thôi.

3. Xem lại lần hai

Qua lần xem đầu tiên, bạn đã ghi nhớ tương đối nội dung phim cũng như những câu thoại đắt giá trong đó. Giờ là bước bắt tay vào thử thách bằng việc xem lại bộ phim đó lần 2 với phụ đề tiếng Anh thay vì phụ đề tiếng Việt. Nếu bạn khó khăn trong việc tìm phim có phụ đề tiếng Anh thì hãy vào trang subscene.com, search tên phim và download file phụ đề có đuôi .srt hoặc .ass. Bạn cho file sub và file phim cùng một thư mục, để tên giống nhau là khi bật lên có thể xem được phụ đề. Có một cái bất tiện là nhiều khi phim và phụ đề không khớp nên bị tình trạng phim một đằng, phụ đề chạy một nẻo. Trường hợp ấy là do bạn đen thôi. Mình có thể tìm lại file phim chuẩn hơn hoặc chuyển qua phim khác. Biết làm sao được.

4. Xem và học

Khi đã có phim với phụ đề tiếng Anh, ta bắt đầu xem một cách vô cùng thư giãn như lần đầu. Ở bước này, mình sẽ vừa nghe nhân vật nói, vừa đối chiếu với câu phụ đề phía dưới. Bạn sẽ thấy thật vi diệu khi mình nghe được vài câu đơn giản trong đoạn hội thoại. Nên cảm thấy tự hào vì đó sẽ là động lực cho bạn tiếp tục xem. Tuy nhiên có nhiều chỗ bạn nghe được cả câu cũng như không thấy có từ mới nào nhưng vẫn chẳng hiểu gì. Lúc đó, hãy mường tượng lại lần xem đầu tiên, phụ đề tiếng Việt đã nói gì ở đoạn này. Đến những câu bắt đầu xuất hiện từ mới, nếu bắt gặp từ đó đến vài lần và trông rất quen mắt, thì bạn nên pause lại và vớ ngay cái điện thoại bên cạnh để tra nghĩa của từ. Chúng ta nên tập thói quen tìm kiếm câu trả lời ngay khi xuất hiện một thắc mắc.

5. Lặp lại

Nếu lần 2 bạn xem không hiểu được mấy, thì hãy quay lại xem phim với phụ đề tiếng Việt thêm một lần. Chăm chỉ hơn, bạn có thể ghi chép lại những câu/cụm từ mình không hiểu và đối chiếu với tiếng Việt hoặc tìm hiểu cách dùng của chúng. Lười thì bạn chỉ việc xem phụ đề Tiếng Việt, sau đó chuyển qua Tiếng Anh, rồi lại về với tiếng Việt, cứ thế lặp đi lặp lại đến khi nào mình chán xem cái phim đó rồi thì thôi.

6. Nghe chay

Bước thần thánh cuối cùng cũng tới. Đây là lúc bạn không được phép dựa dẫm bất cứ câu chữ nào nữa và buộc phải nghe để hiểu. Nhưng đến lúc này, có khi bạn đã thuộc thoại nhân vật kha khá rồi, nên việc nghe sẽ dễ dàng hơn đôi phần. Tuy nhiên, chưa chắc bạn đã nghe được nhiều. Không sao cả. Chỉ cần bạn cảm thấy mình ‘có khả năng nghe hiểu tiếng Anh’ là được. Đó là động lực cho bạn tiếp tục nghe tiếng Anh mà không nản lòng.

Mấu chốt của vấn đề đó là, đừng đặt nặng chuyện phải làm được điều gì đó như khi ngồi trên bàn học. Cứ thư giãn và tận hưởng bộ phim, cảm xúc và thông điệp chúng mang lại. Đó là cách bạn đem tiếng Anh tới gần cuộc sống của mình hơn, và dần dần là biến chúng thành một phần không thể thiếu.

luyện nghe tiếng Anh bằng Youtube

1.Tìm kênh hay

Lại một lần nữa, sở thích của bạn sẽ quyết định. Ví dụ mình thích xem vlog (dạng video nhật kí) hoặc show về đồ ăn, thủ công, du lịch, thì mình sẽ tìm những kênh có nội dung này trên Youtube. Đừng kì vọng bạn gõ vài chữ vào ô tìm kiếm là có thể xong. Chuyện tìm được một kênh youtube giá trị khá mất thời gian, đôi khi chủ động tìm mãi mà không được, rồi bỗng một ngày vô tình được dẫn dắt đến một kênh hay không ngờ. Duyên số là đây. Những thuật toán của Youtube rất thông minh, chúng sẽ tự đưa ra những gợi ý kênh liên quan đến những kênh bạn đang xem, từ đó giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

Kênh có nội dung hay là một chuyện, quan trọng là nó NÊN có phụ đề tiếng Anh. Với những bạn bắt đầu nghe thì phụ đề tiếng Anh là cực kì cần. Nó như kiểu cái phao để mình bấu lấy khi đang lặn ngụp trong một bể xì xà xì xồ tiếng tây vậy. Trường hợp tệ nhất không có phụ đề tiếng Anh, bạn cũng nên chọn những kênh dễ nghe, phát âm rõ ràng, phù hợp với trình độ. Ví dụ như khi thầy Đặng Trần Tùng giới thiệu kênh Munchies, mặc dù rất yêu thích ẩm thực nhưng mình cũng không thể nghe được kênh này vì nó hơi khó. Người ta thi IELTS được 8.5 nó khác. Trong trường hợp này thì không nên cố.

Thế còn trường hợp bạn tìm được một kênh tâm đắc lắm rồi mà nó chót không có phụ đề thì tính sao. Lúc này, bạn có thể cầu cứu công cụ phụ đề tự động của Youtube. Tuy độ chính xác không tuyệt đối nhưng vẫn có thể hỗ trợ bạn phần nào.

2. Đăng ký và theo dõi hàng ngày

Video youtube khác phim ở chỗ chúng khá ngắn, chủ đề gần gũi và ra thường xuyên, nên rất thích hợp để bạn theo dõi mỗi ngày. Không biết giải thích thế nào nhưng mình cảm thấy, youtube có thể xâm nhập cuộc sống của mình một cách mạnh mẽ. Ví dụ như xem một kênh của du học sinh Mỹ, mình sẽ có cảm giác như được sống ở Mỹ vậy. Đấy, giả vờ thế, cốt là mình được đắm chìm vào tiếng Anh.

Với những video youtube, bạn chỉ cần thư giãn và nghe đều đặn, hiểu được tương đối nội dung video, vậy là đủ. Nếu thấy có mẫu câu hay thì ghi lại hoặc nhẩm theo, có từ nào chưa biết thì dừng lại và tra. Nhưng nếu bạn quá lười thì cứ cần bật lên và xem như bạn xem những kênh tiếng Việt khác thôi.

Thử thách bản thân với Tiếng Anh

1.Nói chuyện với người nước ngoài

Mình đã từng nghĩ chuyện ra Bờ Hồ nói chuyện với Tây là điều khó khăn. Nhưng đến khi trải nghiệm mình mới thấy đó không phải vấn đề to tát. Đôi khi chính những người nước ngoài sẽ chủ động bắt chuyện với mình. Điều quan trọng là bạn đừng dọa họ bằng việc dàn trận một đống người xung quanh và vồn vã sấn xổ. Nếu rảnh, bạn có thể cầm một cuốn sách ra đó ngồi đọc, nếu vô tình có khách du lịch nào ngồi xuống bên cạnh, hãy hỏi thăm họ vài câu như một người bản địa thân thiện. Họ cũng chẳng đến nỗi cố thủ mà không trả lời bạn đâu. Cách làm ấy chừng mực, lịch sự mà cũng hiệu quả không kém.

2. Vươn ra thế giới

Đi du lịch nước ngoài cũng là cách để bạn có dịp dùng tiếng Anh cho đúng mục đích. Bạn không còn lựa chọn gì khác ngoài việc dùng ngôn ngữ quốc tế để trao đổi thông tin ở nước bạn, chứ không phải tập nói như đứa dở người ở nhà một mình nữa. Và khi chứng tỏ bạn có thể sử dụng được tiếng Anh, dù chỉ là một chút thôi, sự hưng phấn sẽ tiết ra dồi dào và khiến bạn trỗi dậy đam mê học tiếng Anh cao gấp bội so với việc đọc các cuốn sách selfhelp hãy tới những buổi hội thảo.

3. Quay video bằng tiếng Anh

Như nhiều người thành công đã gợi ý phương pháp này, thì tự quay những video nói tiếng Anh và đăng lên mạng sẽ là một cách thúc ép bạn phấn đấu mỗi ngày. Bạn có thể search những cái tên như Trọng Đức hay Giang ơi để tìm hiểu thêm về những chia sẻ hữu ích của họ. Với cá nhân mình, thử thách bản thân mặc dù có thể làm chính mình mệt mỏi, nhưng cũng rất dễ tạo niềm cảm hứng vô tận cho hành trình dài.

Bài viết đầu xuân khá dài và ngẫu hứng, hi vọng sẽ tiên phong cho những dự định tiếp theo năm con chó của mình. Nếu các bạn muốn biết mình dùng những kênh Youtube nào để nghe tiếng Anh thì hãy vào ĐÂY nhé.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.