[Điểm đến] Sapa – Gần mà lại xa

Không hiểu sao bạn tôi cứ mê mải Sapa và muốn đi bằng được, nhưng lâu rồi chưa ghé thăm lại nơi gặp gỡ đất trời này, nên tôi cũng chiều bạn. Và thế là, chuyến đi bắt đầu ngay sau Tết.

Phải nói trước, tôi sinh ra và lớn lên ở TP Lào Cai, vậy nên Sapa với tôi không còn xa lạ gì. Tôi được biết mặt Sapa từ khi nơi đây hẵng còn rất hoang sơ chỉ với mù sương và mây trời. Chưa có cáp treo, chưa có những resort và các bản làng chưa bao giờ phải mất vé vào cửa. Sapa cách nơi tôi sống hơn 30km. Và đã có lúc, chỉ bởi vài phút nổi hứng bốc đồng, lũ bạn chúng tôi đã quyết định xách xe phóng cả đoàn lên Sapa, ăn một bữa cơm với nhau, hít chút không khi mát mẻ rồi vài tiếng sau lại về.

Tôi không nhớ mình đã đến Sapa bao nhiêu lần, nhưng có lẽ chuyến đi này mới thực là một chuyến du lịch đúng nghĩa. Tôi được du hí tại mảnh đất có vẻ như đã khá quen thuộc. Nhưng không hề, mang tiếng quen thật đấy, mà vẫn lạ như một nơi xa xôi.

  1. Thăm bản Cát Cát

Tôi mượn xe máy rồi đón bạn ở bến xe trung tâm Lào Cai, đưa bạn đi ăn sáng, đi xem đất Lào Cai một vòng rồi mới lên Sapa vào lúc 9h. Khách sạn chúng tôi ở chỉ cho check in đúng giờ, nên chúng tôi quyết định đi bản Cát Cát trước. Trên đường đi chúng tôi có thấy đường vào bản Tả Phìn và thử đi vào, nhưng khi nhìn thấy chốt chặn bán vé, chúng tôi quyết định quay đầu lại vì nơi đó vốn cũng không có gì đặc sắc.

Giá vé vào cửa ở Cát Cát là 70k/người. Nhìn chung đây là một nơi đáng đi, dù phần lớn là các sạp bán hàng lưu niệm. Các công trình của người vùng cao được làm lại để phục vụ tham quan. Trẻ con mời mua hàng nhiều không kể hết. Đó vốn là một đặc điểm của vùng du lịch Sapa này. Tôi cấm bạn tôi mua bất cứ thứ gì trên đường đi, vì hơn ai hết tôi hiểu, nguồn gốc những thứ ấy từ đâu mà đến. Chúng không xứng với giá tiền chúng mang. Nhưng du lịch mà, ai đó ở xa lâu lâu mới tới có thể mua vài thứ làm kỉ niệm vẫn được. Tuy vậy, gì thì gì, bản Cát Cát vẫn sở hữu những nét lạ mà đất thành phố không tài nào có, đó là thác nước ầm ầm trắng xóa, là ruộng bậc thang ngút ngàn, là những chiếc cầu chòng chành bằng tre, và tiết trời lúc sầm sì lúc quang đãng, lúc nắng ấm lúc mát lịm.

2. Nghỉ ngơi tại Tubotel (Xem kĩ hơn tại ĐÂY)

Nếu đánh giá về mặt cảm xúc thì ngay từ khi mới còn hỏi đặt phòng, tôi đã không mấy cảm tình với dịch vụ của nơi này. Họ có cách làm việc khá máy móc và hơi cứng nhắc, trong khi thực tế, họ hoàn toàn có thể du di linh động một chút để đổi lấy sự thoải mái và hài lòng của khách hàng. Vì đi vào ngày lễ nên chúng tôi buộc phải mua thêm 2 suất buffet nướng. Với sự dễ dãi của mình thì tôi thấy điều đó chấp nhận được. Họ cũng yêu cầu đặt 100% tiền phòng và dịch vụ, câu trả lời cũng vẫn là chấp nhận được.

Khi đến nơi, bạn tôi tỏ ý không ưng phòng Tổ ong (650k) mà trước đó tôi đã đặt, và muốn khách sạn đổi cho phòng Ống (500k) cũng như không cần hoàn lại tiền dù giá chênh nhau. Nhân viên trả lời ngay là không được vì các phòng đã được đặt hết. Chúng tôi đành chịu vì lỗi là ở chúng tôi trước. Nhưng đến hôm sau, khi thấy vẫn có rất nhiều phòng Ống còn trống, chúng tôi hiểu ra một điều mà như tôi vừa nói ở trên, cách làm việc của họ quá nguyên tắc và cứng nhắc. Họ quan tâm đến quy định nhiều hơn là sự hài lòng và thoải mái của khách hàng. Sự cố là thứ không thể tránh khỏi ở bất cứ nơi đâu, nhưng tôi cho rằng xử lí nó một cách mềm mại và được lòng tất cả mới mà đỉnh cao của ngành dịch vụ.

Bạn tôi quyết định tạm yêu cái phòng Tổ Ong mà chúng tôi đã lấy. Lí do tại sao bạn tôi không ưng thì bạn có thể theo dõi kĩ hơn tại bài đánh giá về Tubotel tôi viết riêng. Tạm dừng chuyện hậm hực lại, chúng tôi nghỉ ngơi một chút tại phòng rồi đi tìm cái ăn bởi hai đứa chưa ăn trưa. Bạn tôi lười đi xe máy vì con dốc cao quá, nên chúng tôi chọn đi bộ. Xiên nướng Sapa là thứ đặc sản nơi này rồi nên chắc chắn không thể bỏ lỡ (chính xác thì nó có nguồn gốc từ Trung Quốc). Ban đầu tôi chỉ muốn ăn cơm lam và khoai nướng, để dành bụng tí về ăn buffet của khách sạn, nhưng bạn tôi không nghe, cứ đòi ăn vài xiên thịt nướng. Tổng thiệt hại hết 130k cho bữa ăn nhẹ xế chiều. Chúng tôi lưng lửng bụng, dạo bộ ngắm đường phố. Thời tiết lúc đó ở Sapa thật thảm hại, dù buổi trưa ở Cát Cát quang đãng và nắng ráo bao nhiêu, thì giờ mưa phùn không ngớt kèm sương mù dày đặc. Hai đứa vào siêu thị mua lấy cái ô và đôi dép lê cho tôi đi để bớt đau chân, rồi rảo bước ngắm nhìn quảng trường, nhà thờ đá và ngồi uống nước tại một quán cafe. Sự thực là lúc đó chúng tôi rất vui, bởi cảm giác thư giãn khi đi du lịch được đẩy lên đỉnh điểm. Hai đứa ngồi hí hoáy với nhau, chờ đến giờ ăn mời bò về khách sạn.

Điểm cộng cho bữa buffet 400k/2 người đó là không gian khá ấm áp. Chúng tôi được xếp bàn ngồi ngay đống lửa trại nên bữa ăn cũng vui. Ngoài ra khách sạn còn phục vụ hát karaoke cho bất cứ ai có nhu cầu nên tôi cũng hứng chí làm vài bài vui vẻ. Nhưng bởi ăn khá nhiều lúc chiều nên giờ chúng tôi không ăn thêm được mấy, thứ nữa là đồ nướng ở khách sạn không ngon nên bạn tôi chê. Chúng tôi ăn được không nhiều nhưng cũng đành kệ. Hai đứa kết thúc ngày đầu tiên ở Sapa bằng việc lên chuồng sớm vì trời không có gì khác ngoài cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt.

3. Đi Hàm Rồng và Phan Xi Păng

Ngày thứ Hai vẫn không đỡ tệ hơn khi trời vẫn mưa, vẫn sương và lạnh. Sau khi ăn sáng tại khách sạn, chúng tôi quyết định đi bộ ra Hàm Rồng, nơi tôi đi nhiều nhất trước đây. Sau khi mua vé, vẫn 70k/người, chúng tôi leo lên rồi chụp choẹt cho nhau những bức hình tỏ vẻ ‘nghệ thuật’. Tôi chưa từng đi Sapa vào mùa xuân, nên thứ làm tôi thích thú chính là những cây đào rừng, mận rừng tuyệt đẹp. Chỉ tiếc là cơn mưa đêm qua là đã làm những cánh hoa dập nát, hơi buồn một tẹo.

Đi Hàm Rồng được chừng nửa đường, chúng tôi quyết định đi về khi thấy trời có vẻ quang. Phải tranh thủ đi Phan Xi Păng trước khi trời âm u trở lại, chúng tôi nghĩ vậy. Sau khi về khách sạn lấy thêm đồ đạc, chúng tôi chọn ăn trưa ở nhà hàng A Quỳnh với món lẩu Thắng Cố. Món Thắng Cố ở đây sạch sẽ và ngon miệng, không như trong kí ức của tôi là hổ lốn với những nguyên liệu khó hiểu. Giá một nồi lẩu Thắng Cố là 400k, hơi ít nhưng ngon. Sau khi đánh chén no nê, chúng tôi vội lên đường đi Phan Xi Păng cho kịp. Phải kể đến một tin đáng buồn trước đó, là khi lấy xe, hai đứa phát hiện mất một chiếc mũ bảo hiểm, may thay vẫn mượn được một chiếc để di chuyển cho kịp giờ. Lỗi trước tiên vẫn là ở chúng tôi bởi đã không cẩn thận cất vào cốp. Nhưng vẫn buồn thay cho ý thức của ai đó, là nguyên nhân khiến chúng tôi phải khốn đốn một phen sau này.

Ông trời vẫn không ưu ái thêm tẹo nào khi mưa vẫn tiếp tục. Giá vé cáp treo không hề rẻ (500k cho tôi là dân địa phương và 700k cho bạn tôi), nhưng phần lớn quãng đường đi là chìm trong mây mù trắng xóa. Lúc đó tôi nghĩ, khốn nạn thân mình, bỏ ra hơn triệu bạc chỉ để đi máy bay có 10 phút. May mắn là bầu trời vội quang tầm 1-2 phút cho chúng tôi quay lại những thước phim thiên nhiên hùng vĩ và choáng ngợp. Tạm coi đó là chút vớt vát của lần ghé thăm này.

Hết cáp treo, bạn phải đi thêm 600 bậc nữa mới lên đến cột mốc 3143m Phan Xi Păng. Nếu ai mệt và có tiền có thể chọn đi tàu hỏa với giá 80k nữa. Chúng tôi chọn đi bộ để có cảm giác chinh phục dù chỉ là chút ít, với cả ngân sách cũng đang cạn rồi. Trời vẫn mưa gió bão bùng và tóc tôi ướt khắp cả, tôi còn chủ quan không mặc đủ ấm nên hành trình 600 bước của hai đứa tôi thực sự khá nặng nhọc. Dù sao cuối cùng, bọn tôi cũng vẫn lên đến đỉnh núi, vẫn được chụp ảnh với nóc nhà Đông Dương.

Thời tiết về sau có vẻ đã khả quan hơn. Quay lại khách sạn nghỉ ngơi một chút, hai đứa lại mò xuống phố tìm cái ăn. Bạn tôi thích lợn cắp nách quay nên hai đứa vào một nhà hàng gọi món ấy. Hơi thất vọng tẹo vì thịt nhiều mỡ quá cũng như bì không giòn. Nhưng giá khá vừa phải cho một bữa ăn nơi nổi tiếng chặt chém. 250k cho 1 đĩa lợn quay, 1 đĩa ngọn su xào, 1 bát canh trứng và cơm.

Mặc dù khá túng thiếu, nhưng hai đứa vẫn muốn đi đâu ngồi để tận hưởng cái không khí nghỉ dưỡng êm đềm bên nhau. Vào một quán cafe trên phố Thạch Sơn nếu tôi nhớ không nhầm, hai đứa gọi 2 ly cocktail uống thử hết 180k, không đặc sắc lắm nhưng cũng thú vị bởi lần đầu trải nghiệm.

Kết thúc ngày thứ 2 ở Sapa, chúng tôi quay về cái tổ ong, nằm tâm sự và trăn trở về những chuyện phía trước. Lúc ấy, hai đứa chúng tôi đều đang cạn tiền, nên việc đó phần nào ảnh hưởng đến tâm trạng đi chơi. Cơ mà chuyện tệ hại nhất hẵng còn đợi phía trước.

4. Phốt đen đủi nhất chuyến đi và sang Trung Quốc

Buổi sáng hôm sau, chúng tôi vẫn ăn sáng tại khách sạn rồi đi loanh quanh chụp ảnh cho bõ số tiền đã bỏ. Nơi này phải nói là khá lí tưởng để sống ảo. Tôi đã kịp bắt được vài tấm Sapa mù sương, hay những kiểu ‘deep sầu’, tuy không hoành tráng nhưng cũng đủ thả vào những dòng trạng thái mùi mẫn trên FB. Sau đó tôi về phòng thu dọn đồ đạc còn bạn tôi xuống phố mua mũ bảo hiểm cho kịp. Nhưng lo lắng xảy ra khi tôi dọn xong đã lâu mà vẫn chưa thấy bạn về. Nóng ruột bèn gọi điện thì bạn tôi kêu bị công an bắt, giờ đang phải đi bộ về lấy giấy tờ. Bạn tôi tiếc tiền nên không đi xe ôm mà cuốc bộ mấy cây số leo dốc. Lúc đó tôi chợt nghĩ, ôi đã có lúc chúng tôi, những con người xông xênh và hào sảng, phải quỳ gối hạ mình trước đồng tiền.

Sau khi về lấy giấy tờ xe và tiền biếu các chú áo vàng, bạn tôi quyết định trở lại bằng xe ôm vì đã quá mệt. Còn tôi đi trả phòng. Họ không cho trả sau 12h nên thôi tôi cũng không nài ở thêm dù chỉ một phút. Tôi vội vàng trả phòng và chỉ mải nghĩ đến chuyện bạn tôi có suôn sẻ không mà quên mất rằng, tôi chưa cất một bao lì xì 20 đồng Mỹ mà bạn tôi tặng khi vừa mới gặp nhau. Lúc phát hiện ra thì 4 chân chúng tôi đã đứng ở cửa khẩu Lào Cai, và câu trả lời sau cú điện thoại trong vô vọng đến khách sạn nhờ tìm, vẫn là không có bao lì xì nào hết. Tôi biết chắc chắn tôi để quên tờ tiền ở phòng khách sạn. Và nhân viên buồng có quyền lấy về cho riêng mình mà chúng tôi chẳng làm gì được. Tất nhiên nếu có lòng tốt, mọi chuyện có thể sẽ khác. Nhưng rất tiếc, không có gì cả.

Hai đứa khá hụt hẫng sau hàng loạt ‘biến’ vừa xảy ra, vậy nên dẫu thời tiết lúc về có nắng ráo đẹp đẽ, thiên nhiên hiện ra hấp dẫn tráng lệ, thì hai đứa vẫn mỏi mệt cắm đầu chạy xe ra cửa khẩu. Việc sang Trung Quốc chơi là điều dễ dàng với dân vùng biên chúng tôi, nhưng khá phí phạm với những người ngoại tỉnh như bạn tôi. Đầu tiên là phí làm giấy thông hành mất 300k (trong khi tôi là 50k), sau đó còn mất 50k kẹp cùng để qua cho nhanh, nếu không sẽ phải yêu cầu có giấy khám sức khỏe. Làm tiền dữ tợn.

Bọn tôi không chơi được nhiều ở Trung Quốc vì tôi không biết chỗ, cũng không biết tiếng. Vốn ban đầu tôi có hẹn được một bạn quen đi TQ và rành tiếng Trung đi cùng, nhưng sau chót bạn đó úp sọt chúng tôi khi biến mất vào Nam với lí do trầm cảm. Hai đứa ăn linh tinh trên đường, mua ít đồ và bỏ qua tiết mục đốt pháo, dù đó là lí do chính để hai đứa quyết định đi. Có lẽ bạn tôi đã thấm mệt với những chuyện không may xảy ra từ sáng tới giờ. Gần tối, tôi đưa bạn về và đi ăn đồ nướng Lào Cai, nơi tôi đã ăn hồi còn đi học, các xiên nướng giống hệt Sapa nhưng giá thì mềm hơn nhiều, tổng thiệt hại hết 180k. Bữa tối vậy là kết thúc. Tiền may sao vẫn còn đủ cho bạn tôi về.

Sự đen đủi vẫn còn tiếp diễn khi bạn tôi suýt nữa thì muộn giờ lên xe, bởi chúng tôi để quên vài món đồ. Chúng tôi cuống cuồng trong vài phút ngắn ngủi ấy đến mức tôi không chắc nếu xui xẻo còn gõ cửa lần nữa, chúng tôi có đủ sức mà trải qua không. Sau chót, mọi sự cũng xuôi lọt. Bạn tôi chia tay lên đường về nhà, còn tôi cũng vội quay về với mẹ, sắp xếp đồ đạc để hôm sau đi sớm. Chóng vánh quá, một cái Tết của người trưởng thành.

Nếu nói tổng thể cuộc đi chơi, thì chắc có 5 phần vui, 5 phần buồn. Vui bởi tôi được đi với người cho tôi niềm vui, được chậm rãi tận hưởng kì nghỉ, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, dù đã bị che phủ bởi việc xây dựng quá nhiều, những hẵng còn lại chút gì đó của mây và trời. Và buồn thì bạn cũng thấy rõ rồi đấy, là dịch vụ nơi ở không ưng ý, là thời tiết không chiều lòng người, là những sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhưng chúng tôi vẫn tự nhủ với nhau, phải tận hưởng, hãy quên hết những điều tồi tệ đã đến. Tiền mất có thể làm lại, nhưng niềm vui tự thân thì không dễ gì có được. Và đó là cách, để chúng tôi vượt qua mỏi mệt, mà nở nụ cười mãn nguyện khi kết thúc hành trình.

(Ảnh sẽ được up sớm ngay khi mình có thể)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.