Con trẻ là sản phẩm của ai? Phần 1

Trẻ em là sản phẩm của gia đình, nhà trường hay xã hội? Hay cả ba?

Hãy cùng nói về người cần phải có trách nhiệm nhất với chúng.

Bản thân tôi là một người dạy, còn trẻ và mang trong mình lí tưởng cao lớn, vậy nên đối với học sinh, tôi nâng niu và hết mình với chúng. Nhưng tôi cũng thẳng thắn thừa nhận, đã rất nhiều lúc, cái lí tưởng lớn đấy trượt đi một nhịp, bởi sự ngỗ nghịch của lũ trẻ, bởi đòi hỏi quá đáng của phụ huynh, bởi sự chi li tính toán khi đầu tư cho giáo dục, và bởi tôi cũng là con người.

Hồi còn đi học, tôi cứ trách sao nhiều cô giáo ác thế, quá quắt thế, đáng ghét thế. Đến giờ khi quay lại làm công việc tương tự, tôi mới hiểu rằng, đa phần thì bản chất người ta không ghê gớm đến vậy, chỉ bởi học sinh hư, nghịch, lười, hết thuốc chữa, mới khiến các cô biến dạng. Dùng đủ mọi hình phạt mà các trò không thay đổi, lắm cô không giữ mình nổi mới dại dột hành động thái quá để rồi lên báo nhận tiếng xấu cho nghề giáo. Nhưng thiết nghĩ, những hình phạt quái đản mà các cô nghĩ ra, cũng chỉ đến từ sự bất lực khi dạy dỗ học sinh, khi đồng lương nhận được không tương xứng với lòng kiên nhẫn cô dành cho trẻ.

Nói vậy không phải để bào chữa cho những hành động sai trái của các cô, mà để chúng ta nhìn nhận rõ gốc gác của vấn đề. Một cô giáo trên lớp quản lí vài chục học sinh, chưa kể phần lớn thời gian là truyền kiến thức, chứ không dạy các em cách ứng xử, dạy các em hình thành thói quen, vậy nên nếu bậc cha mẹ còn nghĩ rằng chỉ cần đưa con em đến trường đầy đủ là con sẽ thành người, thì đó là một cách đầu tư sai lầm.

Rõ ràng trẻ em hình thành nhân cách dựa vào những gì chúng tiếp xúc mỗi ngày: bạn bè, thầy cô, người qua đường… nhưng không thể phủ nhận, người chúng gặp nhiều nhất, vẫn là gia đình. Gia đình hình thành cho con cái thói quen. Nếu bố mẹ có nếp sống lành mạnh, con cái cũng vậy, và ngược lại. Một đứa trẻ suốt ngày thấy bố mẹ chúng đi đánh bài, chửi bậy, quỵt tiền chẳng hạn, dám ai nghĩ chúng sẽ thánh thiện nề nếp? Cha mẹ thúc con cái ngồi vào bàn học, còn mình thì nằm xem TV, thì bảo sao con không lén lút xem trộm mà quên khuấy bài vở. Người làm cha làm mẹ không quan tâm con đi đâu gặp ai, thì ai đảm bảo không có lúc chúng gặp phải kẻ xấu. Vấn đề ở chỗ, con trẻ thì không thể biết tốt xấu là như nào mà tránh, ở cái tuổi của chúng. Và thường thì cái xấu lại luôn hấp dẫn và dễ xâm nhập hơn cái tốt.

Tôi đã từng chơi với bọn trẻ, và phải công nhận rằng chơi với chúng rất mệt. Nên để rảnh rang thì tốt nhất là ném cho chúng một chiếc điện thoại, máy tính hoặc TV, chúng sẽ rất ngoan ngoãn, ngồi im cho chúng ta thỏa thuê mà làm việc khác. Nhưng hậu quả là gì? Trẻ xem Internet không được kiểm soát sẽ rất dễ tiếp cận những thông tin lệch lạc. Trẻ dán mắt vào màn hình chơi game hay xem phim thì đờ đẫn mụ mị cả người. Chúng mê muội thế giới phẳng suốt cả tuổi thanh xuân, bởi rõ ràng, cha mẹ đâu cho chúng sự lựa chọn nào khác hấp dẫn hơn.

Còn nếu bạn không phải một phụ huynh thờ ơ, bạn chăm sóc và quan tâm chúng mỗi ngày? Bạn vẫn có thể làm sai cách. Nhiều người quan tâm đến con cái, nhìn thì có vẻ sâu sát, nhưng thực ra là nông toẹt. Họ chỉ để ý bài kiểm tra con được bao nhiêu điểm, con đứng hạng mấy, con có được cô giáo khen không, mà không biết con đang học cái gì, con đang gặp khó khăn gì và con nên làm những điều gì. Thờ ơ với những thứ con đang trực tiếp đối mặt, thờ ơ với cảm xúc của con, thờ ơ với suy nghĩ của con. Những thứ chúng ta quan tâm, dường như chỉ là một loạt tiêu chuẩn nào đó chúng ta tự vẽ nên trong đầu.

Bố mẹ tôi là những người công chức chuẩn mực. Vậy nên tôi biết lễ phép, biết chăm lo học hành, để đến bây giờ, tôi cũng đủ vốn sống. Nhưng khi nhìn lại, rõ ràng bố mẹ không cho tôi nhiều cơ hội để tôi có thể làm được nhiều hơn. Bố mẹ đã từng bảo cho tôi học đàn khi tôi còn bé, nhưng cuối cùng câu chuyện chưa thể bắt đầu ấy đã mãi mãi đi vào dĩ vãng, để đến năm đại học, tôi tự mày mò mua đàn đi học. Tôi biết là tôi có được bố mẹ dẫn đi chơi khi còn nhỏ, nhưng điều ấy hình như chưa bao giờ còn tiếp diễn, khi tôi có nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống.

Bố tôi hay rao rảng rằng: “Không chịu khó mà học, sau này chỉ có đi quét rác.” Mỗi lúc nghe câu nói kiểu như vậy, trong đầu tôi chỉ hiện hữu nỗi ấm ức tức tưởi, chứ chả mảy may lo sợ chuyện sau này phải khổ. Giờ đã lớn, tôi hiểu ngày xưa có thời gian mà không chịu bồi dưỡng, giờ vất vả thật. Nhưng sự thấu hiểu ấy đến từ việc trải nghiệm cuộc sống, chứ không đến từ câu dạy dỗ năm xưa. Bố mẹ tôi từng nói không nghe lời bố mẹ sau này lớn lên đừng có trách. Nhưng tôi vẫn phải trách, vì bố mẹ chỉ nói, chứ chưa làm tôi hiểu.

Đa phần những đứa trẻ, đến tuổi được đưa đến trường mà không hiểu tại sao phải đến, bị bảo học môn này môn nọ mà không hiểu vì sao phải học. Rồi thì chúng cứ ngoan ngoãn nghe theo, nghe theo, để đến khi chấm dứt sự học với tấm bằng cử nhân, lại hoài nghi chính bản thân mình cần làm gì tiếp nữa. Và sẽ có rất nhiều phụ huynh, cũng như bố tôi, chỉ nói với bọn trẻ rằng, cố mà học để sau này sung sướng, sau này đỡ vất vả, sau này thành người, vân vân. Tôi thề là ở cái độ tuổi như bây giờ thì tôi hiểu triết lí ấy, chứ chục năm trước chịu chết. Bọn trẻ không thể hiểu thế nào là khổ, vì chúng đã khổ kiểu ấy đâu. Và chúng sẽ tiếp tục bị hấp dẫn bởi Internet, truyện tranh, game và Kpop, chuyện khổ trong tương lai mà cha mẹ nói đến hẵng còn quá xa vời.

Với áp lực mà gia đình tạo nên hồi trước, theo trí nhớ của tôi, tôi cũng có thể trầm cảm ghê lắm. Nhưng may mắn cho tôi bản lĩnh, để tôi tự làm chủ suy nghĩ và nhìn nhận mọi chuyện theo chiều hướng tích cực. Đa phần chúng ta đều có sức chịu đựng và hòa nhập môi trường sống như vậy. Nhưng một số ít thì không. Vụ em học sinh lớp 10 tự tử vì áp lực gia đình vừa rồi làm tôi nghẹn ngào. Rõ ràng sự non nớt bơ vơ cộng thêm kỳ vọng lớn lao của cha mẹ đã giết chết một cuộc sống chỉ mới đang bắt đầu. Dù chỉ là hi hữu, nhưng không có nghĩa những đứa trẻ khác, không chọn tự tử, đang cảm thấy ổn. Chúng cần được cứu, trước khi rơi vào bế tắc của trầm cảm, cô đơn và mất lý tưởng sống.

Nói một chút về vụ em học sinh tự tử, tôi không nghĩ một em học sinh có điểm phẩy trung bình 8.9, môn lí 9.6, các môn phụ đều 9 phẩy, có gia đình ở Đắk Lắk xa xôi lại bị áp lực khủng khiếp như thế. Có lẽ thứ khiến em khủng hoảng nhất chính là môn toán và môn văn với chỉ hơn 7 phẩy, vâng chúng không đủ tiêu chuẩn cho em đạt danh hiệu HỌC SINH GIỎI, đã làm em rơi vào bế tắc này. Khốn nạn quá!

Học giỏi toán, học giỏi văn thì đúng là quý thật đấy, nhưng chẳng đáng để đánh mất cả cuộc đời. Nếu con trẻ không đủ sức hiểu điều ấy, thì những người biết nghĩ hơn, hãy giúp chúng nhận ra. Cốt lõi của tình yêu, luôn luôn là sự thấu hiểu.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.