Bạch dạ hành – Higashino Keigo

Nếu không viết bây giờ, tôi e là cảm xúc sẽ trôi quanh nhanh mất.

Không khuyến khích xem khi chưa đọc tác phẩm.

Tôi vừa đọc xong cuốn Bạch dạ hành của nhà văn Nhật Higashino Keigo. Cuốn sách thuộc thể loại trinh thám, tâm lí. Dù biết nó gần 2 năm trước do được một người bạn giới thiệu, tôi vẫn khá e dè vì người bạn ấy không quên tiết lộ rằng nó buồn thảm và ám ảnh kinh khủng. Nhưng duyên số đã buộc tôi phải đọc dù đang ở giai đoạn bận rộn nước rút, khi tôi chót quên dây sạc chiếc laptop hết pin lúc ngồi tại quán cafe sách Nhã Nam.

Các nhà văn Nhật rất giỏi khai thác yếu tố nội tâm và khiến độc giả luôn bị ám ảnh bởi tác phẩm của họ. Đọc xong truyện nào tôi cũng bị rơi vào cái hố cảm xúc kiểu như thế, nhất thời không thể thôi nghĩ về. Trước Bạch dạ hành, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi cuốn Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya của Keigo. Trí nhớ não cá làm tôi không còn nhớ rõ nội dung, nhưng sự logic không thể chặt chẽ hơn và giọng văn tình cảm của tác giả khiến tôi vừa được hình dung một bức tranh Nhật Bản sống động vừa rùng mình bởi những tình tiết ly kỳ đỉnh cao. 

Nếu những câu chuyện của Murakami có nội dung rất ít, chỉ trở nên hấp dẫn khi tác giả sử dụng nghệ thuật đặc tả nội tâm tài tình, thì Keigo luôn đem đến một cốt truyện lắt léo, nhiều diễn biến phức tạp. Đọc Bạch dạ hành tầm nửa đầu, tôi liên hệ ngay tới một nhà văn Mỹ cũng xuất sắc với đề tài trinh thám là Sydney Sheldon, cụ thể là cuốn Nếu còn có ngày mai.

Hai cuốn sách có một điểm chung: các nhân vật chính đều gắn mác phản diện. Thông minh, xinh đẹp, sắc sảo, không ngoan nhưng phải trải qua bi kịch trong quá khứ khiến tâm lí bị tổn thương để rồi biến hóa trở thành kẻ nhẫn tâm, sẵn sàng phạm pháp và làm chuyện trái đạo đức. Cách kể chuyện của hai tác phẩm cũng hao hao ở chỗ các vụ án nhỏ riêng lẻ được kể ra tuần tự. Nhưng nếu trong Nếu còn có ngày mai, các vụ việc được bắt đầu, đẩy lên kịch tính và kết thúc trong gọn gẽ, thì Bạch dạ hành lại miêu tả các diễn biến lớp lang đan xen nhau chằng chịt. Nếu Ashley của Sydney Sheldon đúng là có đáng thương, có bi kịch nhưng dường như cô vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa sáng, chính vì thế mà dù gây án, phạm pháp, không có dấu hiệu quay đầu, nhân vật vẫn để lại trong lòng độc giả một sự yêu mến, và kết thúc của truyện được xem như là có hậu, thì Yukiho và Ryoji của Keigo lại mãi luẩn quẩn trong bế tắc và u tối, biến dạng tâm hồn và nhân cách, không thể bào chữa hay thương cảm nổi, để rồi khi người ta gấp lại cuốn sách, 8-9 phần trong cảm xúc của họ là ghét bỏ cặp đôi ấy.

Vô tình đọc phải vài tiêu đề về cuốn sách này trên Google như tình yêu của Yukiho và Ryoji, rồi thì về nạn ấu dâm, đâm ra tôi đoán được phần nào tình tiết vụ án từ khi truyện mới bắt đầu. Hoặc chẳng cần đọc người ta cũng dễ dàng đoán ra vì dường như chính tác giả muốn thế. Cái đặc biệt của Keigo trong tác phẩm này, là ông chỉ đưa ra các mảnh thông tin vụn vặt, mà chủ yếu được kể bởi tuyến nhân vật phụ, rồi để độc giả tự lắp ghép và mường tượng ra sự thật. Không có mô tuýp tung hỏa mù cả quyển sách rồi vén màn bí mật vào phút chót, Keigo khiến độc giả cảm giác mình thông minh khi tự khám phá và lí giải các nút thắt, nhưng cũng lại hụt hẫng khi từ đầu đều cuối vẫn không có một lời khẳng định thỏa đáng. Đó đích thị là kiểu văn làm bứt rứt người đọc, giống hệt phim Black Mirror, tôi luôn khẩn cầu có ai đó ngồi đàm đạo với mình về các tình tiết hẵng còn mơ hồ ấy.

Có rất nhiều bài bình luận về tác phẩm này, tôi đã đọc và cảm thấy chúng rất hay (các bạn nên tìm đọc với từ khóa “bạch dạ hành wordpress” hoặc “bạch dạ hành review” trên Google), xin phép không lê thê quá nhiều vì người ta đã viết ra cả mà còn chất lượng hơn. Dường như Bạch dạ hành rất giỏi khơi dậy cảm xúc mãnh liệt đến độ người đọc phải viết ra, hoặc ai đọc Bạch dạ hành đến mức phải viết một bài bình thì hẳn tâm trạng người đó cũng đau đáu về tác phẩm lắm.

Kỳ thực từ đầu, tôi luôn muốn gán cho 2 nhân vật chính những điều tử tế, nét đẹp tâm hồn hay một sự cao thượng nào đấy trong những hành động xấu xa, sự đáng thương và đáng thông cảm vì bởi họ đã từng chịu mất mát trong quá khứ, để có cớ mà yêu họ. Nhưng tác giả không thích như vậy, ông đẩy hai nhân vật chính đến tận cùng của nhẫn tâm, đặc biệt là Yukiho, khi mà tới cuối truyện, chứng kiến cái chết của Ryoji, cô vẫn lạnh lùng, bình thản và quay lưng bước đi. Đọc cái kết xong, người ta sẽ hận Yukiho, bởi xuyên suốt tác phẩm, dường như cô không hề yêu Ryo. Theo một số người nói cô đã chết từ năm 11 tuổi, phần đời còn lại của cô chỉ là một con quỷ giả tạo độc ác, trong khi ít ra Ryoji vẫn được thương cảm hơn khi chấp nhận núp trong đêm tối làm mọi việc vì người mình yêu. Nhưng xét cho cùng, chi tiết cuối truyện ấy là hợp lí, bởi nếu Yukiho không giả tạo đến phút chót mà suy sụp, khóc lóc, tự sát theo Ryoji hoặc có thêm một phần đối chất với cảnh sát chẳng hạn, thì bi kịch sẽ không được đẩy đến tận cùng, sẽ không thể lấy được cảm xúc trọn vẹn từ người đọc khi đối mặt với cái cay nghiệt không bao giờ có lối thoát của tác phẩm.

Chính xác là tác phẩm không mở ra lối thoát cho hai kẻ phản diện. Trả giá ở cái kết có vẻ hợp đạo đức. Trả giá hay bi kịch nối tiếp bi kịch thì không rõ. Ryoji chết không biết là bị trừng phạt, được giải thoát hay mãi mãi mắc kẹt trong đường hầm nhơ nhớp bẩn thỉu. Yukiho không chết, nhưng không thể gỡ bỏ chiếc mặt nạ kịch Nô, không thể gỡ bỏ sự giả tạo với thế giới nữa rồi. Sống như vậy cũng là một dạng trả giá, một dạng bi kịch.

Mối quan hệ của hai nhân vật chính cũng là điều khiến độc giả đau đáu, vì người ta cứ thắc mắc mãi liệu giữa họ có tình yêu không, hay chỉ là tình bạn, tình thương, làm ăn… Nhân vật cảnh sát già Sasagaki thì gọi mối quan hệ của họ là cộng sinh giữa tôm pháo và cá bống trắng. Tôi lại băn khoăn chi tiết Ryoji, dưới cái tên giả là Yuichi chung sống với Noriko (người đem lòng yêu Ryoji nhưng sau rốt cũng chỉ là quân cờ giúp anh đạt mục đích). Họ làm tình nhưng Ryoji không thể đạt cực khoái. Khi Noriko phát hiện Ryoji luôn chỉ giả vờ lên đỉnh, anh thú nhận mình chưa từng ra bên trong một người phụ nữ nào. Sau đó Ryoji muốn Noriko thử dùng tay và miệng giúp anh, nhưng vẫn thất bại, lúc ấy cô nghĩ liệu có phải đã từng có bàn tay và miệng của một cô gái nào khác làm anh lên đỉnh hay không. Chi tiết này liên kết với một chi tiết khác trong quá khứ, khi bạn của Ryoji là Tomohiko có quan hệ với một bà cô tứ tuần, nện quá nhiều khiến bà ta đột quỵ mất mạng, Ryoji đã cứu Tomohiko bằng việc ngụy tạo bằng chứng giả, để cảnh sát tìm được tinh dịch có nhóm máu AB (của Ryoji) trong thi thể cũng như nhờ Yukiho đóng giả nạn nhân nhằm che mắt thời gian tử vong. Nhờ sự việc này mà Tomohiko nguyện dốc hết sức trả ơn cho Ryoji, khi nghĩ Ryoji đã làm tình với xác chết để giúp mình. Nhưng như thế thì mâu thuẫn với tình tiết mà tôi vừa kể trước đó. Tác giả không bao giờ mở nút thắt này, cá nhân tôi chỉ có thể suy đoán, người giúp Ryoji xuất tinh lúc đó ắt hẳn là Yukiho. Tuy chẳng chứng minh được hai người họ có thực sự yêu nhau hay không, nhưng tình cảm nam nữ trong một khoảnh khắc nào đó, chắc là tồn tại.

Thú thực là tôi bị hết hứng tới đoạn Yukiho chuẩn bị kết hôn, một vụ mà cô và Ryoji đã cùng nhau dàn xếp, để Takamiya phải lấy cô dù trước ngày cưới anh vẫn quyết định thổ lộ tình cảm với cô gái khác. Rồi cũng chính Yukiho và Ryoji tạo cớ cho Takamiya ngoại tình để ly hôn. Liệu lấy Takamiya để lợi dụng chức vụ ở công ty anh nhằm trục lợi có phải là mục đích chung của hai người họ? Hay đây chỉ là tham lam của một mình Yukiho, còn Ryoji thì nguyện vì cô mà làm tất cả? Khi câu chuyện còn dừng lại ở những năm tháng cấp III, tôi đã mơ màng 2 người họ sẽ là một cặp bài trùng cùng nhau gây án như trong Nếu còn có ngày mai, rồi ở bên nhau hưởng một cuộc sống giàu sang tự tại. Nhưng dường như cuộc chơi của họ không sòng phẳng. Có thể suy luận Yukiho và Ryoji phối hợp, ăn cắp tài liệu, thông tin, làm giả, lừa đảo và kiếm chác một món hời. Nhưng tại sao Ryoji vẫn cứ mãi u tối như vậy? Có lẽ mọi thành quả anh nỗ lực đánh đổi được đều dành trọn cho Yukiho. Bằng chứng là cô luôn sống trong nhung lụa, như một tiểu thư danh giá (mặc dầu những kẻ danh giá thực sự như Shinozuka Kazurani ngay lần gặp đầu tiên đã nhìn ra cái ti tiện ẩn trong ánh mắt cô). Nhưng nếu giàu sang là mục đích cuối cùng, thì hai người họ đã có thể dừng lại. Yukiho sẽ không tiếp tục kết hôn với người thừa kế tập đoàn dược phẩm làm gì, cùng Ryoji sống bên nhau cũng đâu phải lựa chọn tồi? Hay tại bởi Kazurani cảm thấy bất an mà thuê Imaeda tiến hành điều tra Yukiho, hay viên cảnh sát Sasagaki nằng nặc muốn tìm ra chân tướng vụ án năm xưa, nên họ phải tiếp tục che giấu và phạm tội ác?

Thôi thì tôi vẫn cố tin là giữa hai người họ có tình yêu đi. Ryoji thì yêu kiểu ngu xuẩn, làm ra cái xấu xa gì cũng vì Yukiho hết. Yukiho thì ắt sống dựa dẫm vào Ryoji, không có Ryoji đời cô coi như cũng tàn, đó là yêu hay lợi dụng thì cũng khó nói lắm. Hẳn do sự tổn thương năm 11 tuổi đã khiến cả hai biến dạng, nhiều người cho rằng cuộc đời bọn họ đã chấm dứt ở khoảng thời gian này, không thể yêu thương được nữa. Yukiho từ nạn nhân ấu dâm, trở thành kẻ xâm hại người khác. Tấn công cô bạn học ghét mình để mượn tay dẹp bỏ nhân chứng vụ án, tấn công chính bạn thân mình (vì ghen tức? lợi dụng? tôi chưa suy luận được), rồi tấn công con gái riêng của chồng, như một cách trả thù thiên hạ. Ryoji khả năng cao chả thiết tha làm mấy chuyện này, chỉ vì che giấu vụ án giết người và làm thỏa mãn Yukiho mà thôi. Đại khái là nhân cách của Yukiho đã hỏng hóc và không thể cứu chữa nữa rồi, nên cũng chẳng hi vọng hai người họ có tình yêu giống kẻ bình thường.

Còn rất nhiều chi tiết mà tác giả chưa bao giờ giải thích, dù là nói bóng gió qua miệng các nhân vật phụ như những chi tiết có vẻ rõ ràng hơn còn lại. Đó là điều làm tôi giận, nhưng cũng là ngón nghề đắt của Keigo. Còn một điểm ấn tượng nữa khiến Keigo khác với các tác giả trinh thám khác, đó là giọng văn điềm đạm, nhẹ nhàng, lúc sắc bén có sắc bén, lúc tình cảm có tình cảm của ông xuyên suốt các tác phẩm. Đánh giá truyện của ông ghê sợ thì không hẳn. Nó không ám ảnh người ta bởi máu me, phương thức giết người hay cách qua mặt cảnh sát, mà ám ảnh bởi nội tâm con người và cái lửng lơ trầm buồn. Trái ngược hoàn toàn với Murakami, dùng nội tâm để giải thích sự việc, Keigo lại dùng diễn biến để phác họa bản chất nhân vật sao cho chi tiết nhất, dù có lẽ, bức họa của ông chỉ toàn một màu đen xám bi thương.

Chấm điểm: 4.5/5 (Trừ nửa điểm vì không có một xíu cảnh lãng mạn nào giữa 2 nhân vật chính)

Update một chút là mình có vừa xem bản phim truyền hình của Nhật do được đánh giá cao nhất trong cả 3 phiên bản (còn 1 bản điện ảnh của Nhật và Hàn). Tuy nhiên mình đành dừng lại ở tập 3 vì nội dung truyện bị thay đổi nhiều, tính cách của nhân vật cũng không còn như mình tưởng tượng nữa. Với mình thì Ryoji là người bản lĩnh, quyết đoán và lạnh lùng, còn ở bản phim thì đó lại là một cậu bé có phần yếu đuối và bị động, như con rối trong tay Yukiho vậy. Có lẽ phim muốn xây dựng nhân vật theo chiều hướng tốt đẹp lên, họ những lúc gây án đều hồi hộp, sợ hãi như thể bị ép buộc chứ không máu lạnh dứt khoát như truyện tả. Với cả phim Nhật cũng không phải thể loại mình thích nữa. Mình vốn muốn xem phim để được nhìn thấy 2 nhân vật chính ở bên nhau coi bộ như thế nào. Nhưng có vẻ chỉ ở tập 1, 2 diễn viên nhí mới làm tròn vai. Dù sao thì độc giả vẫn cứ là người đi tưởng tượng, không được ăn sẵn điều gì thật mệt quá đi.

Hình ảnh được lấy từ https://s3-ap-southeast-1.amazonaws.com/img.spiderum.com/sp-images/71f5b1d0679711e8971f6781c1950a0a.jpg

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.