2 năm trước, mình đã review hai phim The Kissing Booth (TKB) và To All the Boys I Love Before (TATBILB) ở ĐÂY. Năm nay, TALBILB cho ra mắt phần 2 mang tên To All the Boys: P.S. I Still Love You (mình tạm gọi là TATB2), và TKB cũng vậy YOLOOOO, thế nên không lí nào mình lại không tiếp tục review so sánh 2 phim học đường lãng mạn sến sẩm này rồi.

Vẫn cùng một cốt truyện
Trùng hợp là đến phần II, hai phim vẫn đi theo một mô tuýp giống nhau. Khi ở phần I, nữ chính tìm được chân ái của đời mình, thì phần II, tình yêu của họ buộc phải tiếp tục (chứ đột nhiên chia tay rồi quay phắt sang yêu người khác như Nhật Ký Công Chúa thì lãng nhách quá). Nhưng làm thế nào để câu chuyện tiếp tục kịch tính và hấp dẫn? Chắc chắc tình yêu của cặp đôi chính sẽ gặp trở ngại và bị thử thách. Tất nhiên rồi. Và không gì dễ hơn và kịch tính hơn khi để kẻ thứ 3, thứ 4 chen ngang vào mối quan hệ của họ. Một chàng trai hot ngang ngửa nam chính sẽ từ trên trời rơi trúng vào mặt nữ chính. Một cô nàng nóng bỏng thông minh mà nhìn qua đều thấy vượt trội hơn nữ chính sẽ lảng vảng xung quanh gã người yêu của cô để trực húp trọn? Thực ra, thứ thử thách tình yêu của họ còn nhiều hơn thế.

Nỗi lo của lọ lem
Nữ chính trong hai phim có vẻ là những cô gái bình thường, nhưng đều yêu được hotboy. Và hotboy thì vẫn cứ hot. Peter vẫn nhận được tá thư tỏ tình trong ngày Valentine. Tình cũ Gen của Peter vẫn thách thức Lara rằng cô nàng hiểu rõ Peter hơn Lara nhiều. Noah thì đi học Havard, quen ngay một cô bạn người mẫu luôn thu hút mọi ánh nhìn, biết cách ăn nói và áp đảo nữ chính mọi mặt. Chính bản thân Elle cũng nhận ra ánh mắt chăm chú và hào hứng của Noah khi nghe cô bạn Chloe nói chuyện. Sự mặc cảm của nữ chính dần lớn, hai cô nàng bắt đầu bất an về mối quan hệ ‘too good to be true’ này.

Lòng tin trong tình yêu
Nữ chính bị thử thách lòng tin với nam chính, khi cô phát hiện bạn trai mình có chút che giấu, có chút thờ ơ với cảm xúc của cô. Nếu Lara ghen với tình cũ Gen, thì Elle lại lo lắng vì Chloe quá hoàn hảo cứ xuất hiện bên Noah trong mọi cuộc vui. Các chàng trai thì luôn đơn giản, yêu cầu bạn gái tin mình, vì rõ là mình chẳng làm gì, nhưng các cô gái thì luôn suy đoán, tưởng tượng ra đủ mọi viễn cảnh chỉ bởi một tấm hình, một tin nhắn hay một vài lần chót nói dối của bạn trai. Cuối cùng thì ai yêu nhau sẽ ở lại với nhau, nhưng rõ ràng, phim gửi gắm một thông điệp về sự tin tưởng và bao dung trong tình yêu.

Một lựa chọn mới
Trong TATB2, khi một trong những crush khác mà Lara viết thư tỏ tình, đã hồi đáp, và vô tình gặp lại cô trong chương trình tình nguyện tại một trung tâm dưỡng lão, cảm xúc của Lara bắt đầu lung lay. Chàng ta ở bên như một người bạn hiền, mỗi khi Lara gặp vấn đề với Peter, John lại có mặt như một sự an ủi cho cô nàng.
Còn với TKB2, một học sinh mới xuất hiện và được biết đến như hotboy, đẹp trai, sáu múi, biết đàn hát và cũng mê trò nhảy giống Elle, kèm theo đó là chuyện yêu xa và nghi ngờ Noah càng khiến Elle có lí do để ngã vào lòng cậu bạn Marco. Bật mí là trong cả 2 phim, nữ chính đều làm chuyện điên rồ với người mới, và đều đưa ra một lựa chọn giống nhau cho mối quan hệ tay ba ngang trái này.

Sự kịch tính
Nếu như ở phần I, câu chuyện thư tình và các crush của Lara trong TATB trở thành điểm nhấn và tiếp tục là lí do cho phần II, thì các tình tiết mới trong TATB2 có vẻ mờ nhạt và chưa đủ đô. Cũng hợp lí khi nữ chính là một cô nàng gốc Á, nên chuyện yêu đương của cô cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn. Những buổi hẹn hò là những lần đi ăn tối lãng mạn, thả đèn trời, chơi mấy trò tàu lượn đu quay. Nàng thì vẫn e dè chuyện làm tình. Quanh quẩn cuộc sống của nàng là việc làm bánh, làm công việc tình nguyện ở trại dưỡng lão, chơi trò chôn bí mật xuống gốc cây rồi đào lên đọc lại sau 10 năm. Vấn đề của cặp đôi Lara-Peter cũng không quá hấp dẫn, khi cô nàng chỉ bất an về tình cũ Gen cứ liên tục gợi lại những kỉ niệm, về bài thơ tặng Lara trong ngày Valentine mà Peter đã không thành thật. Kẻ thứ ba John bước vào đời Lara cũng tương đối an toàn, khi mối quan hệ giữa hai người từ đầu đến cuối chỉ như những người bạn. Phản ứng hóa học giữa họ có vẻ không đủ lấy cảm xúc khán giả.

Ngược lại, nếu ở phần I, TKB đuối hơn thì sang phần II, phim lại hấp dẫn với nhiều tình tiết đáng chú ý. Elle không chỉ bất an trong mối quan hệ với Noah, phải đối mặt với cảm xúc dành cho Marco (chàng hotboy mới của trường) mà còn gặp vấn đề với người bạn thân Lee. Cô vô tình trở thành kì đà cản mũi và khiến Rachel (bạn gái Lee) không thoải mái khi đi cùng. Lee vẫn được xây dựng là một nhân vật trẻ con, luôn quên hẹn với người yêu và sợ làm bạn mình buồn dẫn đến hiểu lầm giữa hai cô gái. Noah là một chàng hotboy chuẩn mực nhưng cũng đôi lúc vẫn vô tâm và nghĩ đơn giản nên khiến người yêu phiền lòng. Chàng hotboy mới Marco có bề ngoài và cách đong đưa cũng rất thu hút, thay vì 2 người cảm mến một cách nhẹ nhàng như TATB2 thì cảm xúc giữa họ cao trào hơn rất nhiều. Phong cách yêu đương phương Tây vẫn được thể hiện rất rõ trong phim, rất nhiều cảnh ôm, hôn, tình cảm của các nhân vật khiến những ai không xem vì nội dung thì cũng có thể giải trí đôi phần.

Tính cách nhân vật
Tuy TATB2 nhạt nhòa và đáng quên hơn phần I, thì mình vẫn thích cách hành xử của các nhân vật. Họ phát sinh mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn bằng sự thẳng thắn, thấy người yêu ôm eo bồ cũ thì ra hỏi thẳng luôn, phát hiện bạn trai nói dối cũng trao đổi luôn, không giấu trong lòng rồi liên tưởng lung tung. Trong khi đó, TKB tạo vấn đề từ sự hiểu lầm giữa các nhân vật, một mô tuýp rất thường thấy trong phim châu Á. Nhặt được hoa tai của Chloe dưới gầm giường Noah thì Elle đã vội tin 2 người này léng phénh sau lưng mình. Thấy Noah nói dối về Chloe, Elle cũng chẳng buồn chất vấn thêm mà chỉ im lặng buồn bã. Vậy mới nói là dù ở phần I hay II, thì TATB vẫn gần với đời thực hơn, trong khi TKB thì kịch tính và drama kiểu phim ảnh hơn. Cách gỡ nút thắt của cả 2 phim thì khá là bình thường, cũng phải thôi vì phim giải trí mà, đòi hỏi nhiều mà làm gì.

TKB2 nổi trội hơn TATB2
Nói gì thì nói, mình vẫn phải chốt hạ rằng TKB2 xem cuốn hơn rất nhiều. Không bàn tới ngoại hình diễn viên vốn đã nhỉnh hơn TATB2, cảm xúc và phản ứng hóa học giữa các nhân vật trong TKB2 cũng làm tròn hơn. Nhân vật Marco của TKB2 mãnh liệt trong tình cảm hơn John của TATB2 rất nhiều, Marco đến cuối phim vẫn hé lộ một chút dã tâm, theo đuổi tới cùng, khiến cho khán giả thích thú và còn gì tuyệt hơn, khi năm sau chúng ta sẽ có TKB3. Xét về cốt truyện, TKB2 cũng làm được nhiều hơn khi cài cắm thông điệp về tình bạn, về sự trưởng thành của những học sinh trung học.

Ngoài ra, mình cũng nhìn thấy sự cởi mở trong văn hóa học đường ở phương Tây được thể hiện tương đồng trong hai phim. Trong ngày Valentine của TATB2, một nhóm hát xông vào lớp vì ai đó book họ đến hát tặng người mình thương, cô giáo dù đang giảng bài cũng vui vẻ đồng ý cho màn thể hiện ấy được diễn ra trước sự họ reo của tụi học trò. Hay trong TKB2, cô giáo dù không muốn cho Lee tỏ tình với Rachel trên loa phát thanh của trường, nhưng lại rất vui mừng khi Rachel đồng ý, thậm chí còn tham gia bốt hôn, và phát biểu những lời tuy không được chuẩn mực lắm nhưng lại truyền cảm hứng cực mạnh cho học trò ngay trong lễ tốt nghiệp.
Phim Việt học hỏi được gì?
Một trong những điểm mình thấy phim Việt nên học hỏi, đó là cách tua nhanh phim bằng những phân cảnh nhanh. Ở TKB, diễn biến tình yêu của Elle và Noah được gói gọn bằng vài phút phim với cảnh đi chơi, vui đùa, ăn uống, làm tình được cắt rất nhanh như một TVC quảng cảo. Tuy nhanh nhưng chúng vẫn chi tiết cực kì, khiến người xem cảm nhận được sự phát triển trong tình yêu của cặp đôi, mà lại không thấy lê thê. Trong TATB, các cảnh yêu đương làm chậm hơn và dài hơn, thành ra khiến phim có phần chán hơn cũng vì thế. Sự cầu kì trong bối cảnh nền cũng khiến phim có không gian chân thực hơn. Nếu đã là một trường học, thì nên có những hoạt động học tập, nếu đã là một văn phòng, thì nên có những nhân viên ngồi làm việc. Chỉ trong một phân cảnh Lee chạy tới cứu Elle, cậu băng qua những người bạn đang làm thí nghiệm, những cô cậu học sinh đang thảo luận… cũng đủ thấy bối cảnh trường học thực tế rồi. Nhưng rất nhiều bối cảnh tương tự ở Việt Nam, học sinh không thấy học mà chỉ ngồi chơi làm nền, nhân viên không làm mà chỉ tám chuyện đá xoáy nhau, rất vô lý và khiến khán giả mất cảm xúc.

Cách xây dựng nhân vật cũng là điều mà phim Việt nên học hỏi, vì khán giả luôn muốn yêu thương nhân vật chính. Dù nhân vật chính có là kẻ phản diện, làm chuyện xấu, hay có là kẻ ngốc, làm chuyện dại khờ, thì khán giả vẫn cần có cảm giác thích thú với họ, như vậy phim mới được gọi là thành công. Nhìn Elle, cô nàng vô ý vô tứ không màng đến người yêu của bạn nhưng lại khó chịu với bạn của người yêu mình, thích suy diễn chỉ bởi vài tấm hình trên insta… nhưng nàng vẫn khiến khán giả dễ chịu. Vì sao? Nhân vật này được xây dựng có cá tính, dám bình phẩm về hotboy như một món ăn ngon cho cả trường nghe, dám chơi hết mình trong hội thao và dằn mặt thằng nào là đối thủ của bà, có nhu cầu được quan tâm nhưng vẫn nhẫn nại để bạn trai có không gian riêng, chịu khó suy nghĩ về bản thân và sẵn sàng thay đổi khi biết mình mắc sai lầm. Còn Lara thì sao, nhẹ nhàng nhưng vẫn quyết liệt, thẳng thắn đối mặt với các tình huống, cũng như vào giây phút quyết định thì vẫn biết mình muốn gì. Ngó sang phim Việt, sao nhân vật Linh của Tình yêu và tham vọng bị khán giả chê quá trời, thậm chí họ còn không muốn cho nam chính nữ chính đến với nhau? Bởi dù xây dựng nhân vật Linh là chính diện, tốt đẹp, nhưng cách hành xử của nội tâm nhân vật qua từng tập phim không khiến khán giả đủ cảm mến, không có cao trào, không nhất quán. Hãy học hỏi nhiều hơn nhé các biên kịch.
Túm váy lại thì mình thấy 2 phim học đường lãng mạn của Netflix nãy vẫn khá okla, TATB2 hơi đuối nên không bàn nhưng TKB2 thì đáng trải nghiệm đó các bạn. Mình cho TATB2 2.5/5 và TKB2 3.5/5 sao nhé.