Nhật ký Meo buồn #3

Có một tin mới để tôi lấy cớ mà viết bài, ấy là tôi sắp chuyển nhà.

Thú thực tôi không kì vọng gì nhiều về chuyện nhà cửa khi đặt chân đến một đất nước xa lạ, giống như cái cách mà lần đầu tôi ở trọ Hà Nội. Tìm được một chỗ dung thân đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản đã rồi tính. Lạ nước lạ cái mà. Vậy nên nơi ở đầu tiên ít khi là nơi ở tốt nhất, nếu bạn đam mê một chỗ trú tử tế và đầy đủ.

Với kinh nghiệm 9 lần chuyển chỗ ở khi còn sống Hà Nội và đôi lần ở những thành phố khác, tôi rút cho mình nhiều bài học về việc chọn nhà, chấp nhận những thiếu thốn của một cái nhà đi thuê và học cách tồn tại sao cho ổn thỏa nhất. Cơ mà hồi ở Việt Nam, tôi sống chủ yếu trong những phòng trọ biệt lập, không chung đụng ai, có chăng là chỉ với bạn cùng phòng, người mà chúng ta phải rất cẩn thận lựa chọn nếu không muốn gặp rắc rối. Nhưng ở đây, kiểu ở trọ chủ yếu và phố biến là bạn sẽ có một cái phòng riêng, một không gian riêng để làm những chuyện cá nhân chứ không phải ngủ chung và nghe tiếng ngáy của ai cả. Họa hồ là vợ chồng hoặc chị em thân thiết lắm thì mới quyết định chung phòng, và nhu cầu tìm người ở ghép ở đây cũng cực kì hiếm. Nhưng bạn sẽ phải chia sẻ các không gian sinh hoạt còn lại, như bếp, nhà vệ sinh, bàn ăn, chỗ phơi phóng… Thực ra kiểu trọ này vẫn có ở Việt Nam, theo hình thức chung nhà vệ sinh và bếp nhưng về cơ bản là mạnh ai người nấy sống, thành ra lắm khi phát sinh rất nhiều chuyện phức tạp. Tôi đã từng rất kỵ kiểu ở trọ đó, vì tôi không thích đồ của mình chẳng may bị dùng bởi người khác, đang muốn đi vệ sinh mà phải chờ, và phải chạm mặt người không thân thích trong những khoảnh khắc đáng lẽ là cần riêng tư.

Nhưng tôi buộc lòng phải chấp nhận kiểu ở này khi đến Úc, vì bạn sẽ phải trả một khoản tiền lớn nếu muốn có không gian biệt lập hoàn toàn. Và tôi tự set cho mình một cách cư xử làm sao để tồn tại trong môi trường như vậy. Thực ra, bạn hoàn toàn có thể không cần tương tác với những người cùng nhà, nhưng tôi khuyên là bạn nên tham gia vào cộng đồng của họ. Khi đó, bạn sẽ bớt khó chịu với những âm thanh lớn tiếng từ cuộc trò chuyện nào đó ở phòng khách. Bạn sẽ vui vẻ chờ đến lượt đi vệ sinh vì người ở trong đã hào phóng cho bạn mượn đồ. Và bạn cũng bớt cô đơn hơn. Cơ mà nếu tính cách không hợp thì làm sao mà chơi? Đúng vậy, ở chung nhà cần một tập hợp kĩ năng nữa, ấy là chan hòa, dễ thương, không quá xét nét và chút thảo mai.

Tôi tự cho mình là may mắn khi không cảm thấy khó chịu với những người cùng nhà. Họ cơ bản là tốt tính, dễ gần, giúp đỡ tôi trong khả năng. Vì tính tôi hơi khép kín và lười giao tiếp, nên đã có lúc tôi cảm thấy lạc lõng trong căn nhà này, nhưng họ đã kéo lấy tôi và thế là một sự kết nối được hình thành. Tôi nói chuyện với họ nhiều hơn, đi chợ cùng, nấu ăn cùng, chơi cùng, tâm sự cũng nhiều hơn, giúp đỡ và nhờ vả nữa, nhưng toàn tôi nhờ vả họ là chính. Tôi sẽ luôn biết ơn những điều ấy.

Tôi đã nghĩ mình sẽ ở cái nhà này đến tận lúc tốt nghiệp về nước, vì sự thoải mái trên mức kỳ vọng cùng với mức chi phí không thể hợp lí hơn. Nhưng biến cố đột nhiên ập đến, tôi gặp vấn đề với những người sống chung. Nếu bạn nghĩ đó là mấy vấn đề phát sinh khi ở trọ thì không phải đâu, chuyện của tôi khó nói hơn nhiều. Và việc chuyển đi khá là bất đắc dĩ, nhưng với lối suy nghĩ lạc quan AQ của mình, thì tôi phát hiện đó lại là một cơ hội, chứ không phải thử thách.

Sống cùng người Việt, ở khu Việt cho tôi rất nhiều cái lợi. Nhưng có một cái thiệt to đùng mà chẳng cái lợi nào có thể cứu vãn nổi, ấy là tôi thiếu đi cảm giác trải nghiệm ở một đất nước mới. Vấn đề càng rõ ràng hơn trong thời kì Covid, tôi ở nhà hầu hết thời gian từ khi đặt chân tới đây, ăn đồ Việt, nói chuyện với người Việt, tiếp tục tiêu thụ văn hóa phẩm tiếng Việt. Lắm lúc tôi tưởng mình vẫn đang ở Việt Nam, thứ duy nhất làm nên khác biệt là mức chi phí đắt đỏ gấp 5 lần quê hương mà thôi.

Khi biến cố xảy ra, tôi đã đắn đo về chuyện rời đi. Tôi tiếc nơi ở này, những con người này, tôi cũng lười chuyển nhà nữa, chục lần ở trọ cho tôi thừa sự ngán ngẩm về mấy chuyện dọn đồ, gói đồ, vận chuyển đồ… rồi. Nhưng khi tôi nhìn xa hơn, và đặt ra câu hỏi: Mình đến đây để làm gì? Mình sẽ được gì nếu cứ cố đấm ăn xôi một môi trường đã bắt đầu hướng mình vào sự bế tắc? Và giới hạn của mình nằm ở đâu?

Tôi đến đây không ngoài một mục đích to tướng, ấy là nâng cấp giá trị của bản thân, cả về mặt học vấn, kĩ năng và trải nghiệm sống. Nếu tôi cứ ở mãi một nơi, trải nghiệm sống của tôi sẽ không đa dạng. Nếu cứ nói tiếng Việt, tôi sẽ không thể giỏi tiếng Anh để phát triển sự nghiệp như ý được. Ở câu hỏi thứ hai, tôi sẽ thấy mệt mỏi, khó chịu, tổn thương với những cảm xúc hỗn độn đã chót dành cho vài người trong ngôi nhà này. Tôi biết cuộc sống của tất cả mọi người sẽ phải tiếp tục, và tôi không nghĩ mình sẽ bình an chứng kiến điều ấy, khi trong tôi mọi thứ đã không còn như lúc đầu. Và cuối cùng, tôi cần gia hạn cái gọi là vô cực của bản thân, hay đơn giản hơn là bước ra khỏi vùng an toàn. Thực ra tôi cũng có làm gì ghê gớm đâu mà phải nói an toàn hay nguy hiểm. Nhưng ý tôi là sự thay đổi. Người ta sẽ không tự dưng mà thay đổi, nhất là khi cuộc sống của họ đang rất ổn thỏa, an yên. Chuyển nhà là một việc không cần thiết, nhưng tôi vẫn chọn làm, vẫn quyết định tự hành xác một phen, vì tôi cần sự thay đổi.

Vậy nên khi trả lời xong ba câu hỏi trên, kèm số phận đưa đẩy đôi phần, tôi quyết tâm rời đi. Tôi sẽ chuyển đến một nơi không hẳn là tốt hơn. Nó đắt đỏ, vẫn không đủ tiện đường đến trường cho lắm, xa cái chợ châu Á nơi có đủ mọi nguyên liệu tôi cần, những người bạn mới chưa chắc đã hợp tính, với lối sống chưa chắc tôi đã cảm thấy thoải mái như ở đây. Rủi ro chứ, nhưng tại sao không thử? Tôi sẽ có một cái phòng đẹp hơn, chẳng may là đủ khiến tôi có hứng làm tiếp những dự án cá nhân dang dở. Những người bạn Úc sẽ giúp tôi sống đúng một cuộc sống Úc hơn. Nếu giờ đây tôi đã biết được người Việt tại Úc sống ra sao, thì giờ tôi sẽ chứng kiến dân bản địa họ sống thế nào, cảm giác như được sống 2 lần vậy. Thế là sự hào hứng đột nhiên dâng lên, lấn át những tiếc nuối và lăn tăn trong lòng.

Như đã nói ở trên, tôi biết ơn những giúp đỡ, dù là nhỏ bé nhất mà mình nhận được từ những người đi qua cuộc đời. Tôi không chắc sau khi rời đi, có thể tiếp tục giữ liên lạc với những người ở nhà cũ hay không. Tôi rất mong là có. Tôi rất mong họ cảm thấy không phiền nếu tôi tiếp tục hiện diện trong cuộc sống của họ.

Tôi sẽ cập nhật nơi ở mới một tháng nữa, sau khi hoàn thành đống bài vở của kì học thứ hai. Tôi quên mất không nói chuyện học hành và những người bạn ở trường. Cũng có nhiều điều để kể lắm. Hẹn nhật ký lần sau nhé.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.