Thứ Bảy thông thường là ngày cuối cùng người ta làm việc trong tuần. Có nghĩa buổi tối, họ sẽ đi chơi nhiều hơn. Họ có thể chơi khuya một chút vì đã có cả một ngày Chủ Nhật hôm sau để ngủ nướng. Ngày Chủ Nhật chưa bao giờ là đủ với tất cả mọi người, và khi họ buộc phải nghỉ sớm để chuẩn bị cho tuần làm việc mới, họ biết là hội chứng ngày Thứ Hai sắp tới rồi.
Tôi chưa bao giờ bị mắc hội chứng ngày Thứ Hai, vô cùng dễ hiểu vì tôi thường xuyên làm việc vào Chủ Nhật. Khi tôi còn làm bếp ở nhà hàng, chuyện nghỉ cuối tuần rất hiếm khi. Thường thì tôi sẽ được sắp xếp nghỉ một ngày giữa tuần, lúc vắng khách hơn. Càng những lúc người ta được nghỉ, chúng tôi càng phải làm nhiều. Tôi đã từng hận những ngày như Giáng Sinh, hay Năm mới, vì lúc đó người ta đi ăn đi chơi đông kinh khủng.
Khi chuyển qua công việc dạy học cho một trung tâm Tiếng Anh, tôi tiếp tục làm việc vào Chủ Nhật, thậm chí nó trở thành ngày mà tôi phải làm nhiều nhất. Học sinh thì đi học cả tuần, và chúng chỉ có thể đi học thêm vào những ngày như thế. Thành ra lúc mà những người làm văn phòng hưởng thụ ngày Chủ Nhật quý giá, tôi lao vào làm việc, và quay về thảnh thơi trong ngày thứ Hai u ám của họ.
Nếu thế, tôi có nên mắc hội chứng ngày Chủ Nhật không nhỉ. Có vẻ không hợp lí lắm, vì đó thường không phải ngày đầu tiên tôi bắt đầu công việc. Khi người ta có một thời gian biểu lặp đi lặp lại, rằng Thứ Bảy, Chủ Nhật là lúc được nghỉ ngơi, và họ vui hết nấc, thì khi quay lại guồng công việc vào đầu tuần, họ uể oải là lẽ đương nhiên.
Nhưng đa số người ta sẽ sống cuộc sống kiểu vậy, và nếu muốn rủ ai đó đi chơi, tôi bắt buộc phải chọn những ngày cuối tuần, trong khi đó là lúc tôi phải làm việc. Vậy là tâm trí tôi, tự dưng xuất hiện một lối suy nghĩ tích cực. Rằng ngày mà mình phải lao động, mình vẫn có thể tận hưởng như một ngày nghỉ giống bao người khác. Và ngày mà họ phải làm việc, mình có đặc quyền lười biếng.
Hôm nay, một ngày Thứ Bảy, tôi tranh thủ gặp một người em đã lâu ngày. Chúng tôi đi ăn, mua sắm và trà sữa. Tôi nhanh nhẩu mua tặng em nó một chiếc váy, tương đương món quà sinh nhật mà bữa trước nó tổ chức và mời, tôi quên bẵng đi. Thành thực mà nói thì tôi là một kẻ khá tính toán, và luôn suy nghĩ chuyện mình có bị thiệt hay không. Nhưng với một số người, tôi không tiếc gì cho họ cả, vì tôi biết tính cách, ứng xử và tình cảm của họ, là xứng đáng.
Cô em của tôi với tôi về cơ bản không cùng chung một thế giới. Được cái chúng tôi khá cởi mở và nhún nhường đối phương khi giao tiếp, nên cuộc nói chuyện bỗng dưng lại được kéo dài và sôi nổi hẳn. Cô em kể chuyện ế, không phải vì không ai thèm. Con bé xinh gái, hoạt bát, đảm đang, biết chừng mực. Nó không yêu ai vì nó kén và đôi chút khó tính thế thôi, ngược lại với tôi, một kẻ bốc đồng, chỉ nhìn trước mắt không tính đường dài.
Cô em chia sẻ nhiều quan điểm không giống tôi, nhưng đến tuổi này thì tôi hiểu là phải tôn trọng mọi sự khác biệt. Xét về chuyện tình cảm, trong khi tôi quan trọng cảm xúc, thích là làm, thì em nó lại thiên về lí trí, cân nhắc được mất rồi mới quyết định. Người ta hay nói thế là thực dụng. Dùng từ thực tế nghe sẽ dễ chịu hơn. Sống theo kiểu nào thì cũng có hay và dở. Mặc dù tôn sùng tình yêu thuần túy, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những người có thể sống bằng cái đầu lạnh. Dường như con đường họ đi gọn gàng và đơn giản hơn.
Tôi đã từng rất sợ hãi sự khác biệt, cho đến khi tôi đủ lớn để nhận ra, chúng ta không giống nhau là một điều tuyệt vời. Không biết các bạn thế nào, nhưng tôi cực kì hứng thú, với những con người có hai điểm: sự khác lạ và sự tích cực. Một người xuất thân hoàn toàn khác, chọn lựa một cuộc sống cũng chẳng hề liên quan và tư duy thế giới quan cũng rất đặc biệt, họ làm tôi có hứng thú tìm hiểu ghê gớm, nhưng với một điều kiện, họ phải là người lạc quan và nhiều năng lượng mới được.
Tôi chắc chắn sẽ làm một chuyên mục, kể về những người như thế mà tôi được gặp. Và dù là thân hay không, nói chuyện ít hay nhiều, tôi vẫn muốn giữ quan hệ với họ, để được một vài lần ít ỏi trong đời gặp họ, tận hưởng sự giao thoa giữa hai cuộc sống.